Phi Vũ 3

Thương nhớ lắm quê hương vời vợi

Trần Quang Khôi: Chân dung người chiến sĩ

Trích Người Việt Boston

THIẾT GIÁP KỴ BINH VÀ BIỆT ĐỘNG QUÂN
TRONG HAI NĂM CUỐI CỦA CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1974-1975)

Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi
Tư lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh

” Il n’y a pas de gloire achevée sans la gloire des armes”
Vauvenargues

Lời Mở Đầu:
Sau khi Mỹ đơn phương ký kết Hiệp Định Paris với CSVN, đầu năm 1973 rút quân bỏ rơi chúng ta, báo chí truyền thông Mỹ mở chiến dịch rầm rộ bôi nhọ quân lực chúng ta. Quân CSBV nắm lấy thời cơ không ngừng vi phạm Hiệp Định Paris, tấn công chúng ta liên tục ở MNVN. Đồng thời Quốc Hội Hoa Kỳ cắt đứt viện trợ quân sự. Quân Lực VNCH buộc phải chiến đấu tự vệ trong thiếu thốn kinh khủng về trang bị quân dụng, đạn dược, xăng dầu.
Lúc bấy giờ ở Vùng 1 Chiến Thuật trên tuyến đầu của Tổ Quốc ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, các đơn vị tổng trừ bị thiện chiến Dù, TQLC, BĐQ cùng với SĐ1, SĐ2, SD3BB và các đơn vị NQ-ĐPQ của quân lực chúng ta phải chiến đấu ngày đêm vô cùng gian khổ giành nhau từng thước đất với quân thù CSBV.
Dân chúng MNVN bị tuyên truyền xảo quyệt của báo chí truyền thông Mỹ và CSBV, nên đa số hiểu sai khả năng thật sự của quân lực chúng ta. Có biết bao anh hùng tử sĩ đã hi sinh để bảo vệ MNVN thân yêu của chúng ta.
Những năm tháng cuối của cuộc chiến, mặc dù gặp muôn ngàn khó khăn về yểm trợ và tiếp vận, quân lực chúng ta vẫn chiến đấu bền bĩ kiên cường làm cho Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger có lúc mất bình tĩnh phải thốt ra: “Sao bọn chúng chưa chết phứt đi cho rồi”. Chẳng những quân lực chúng ta không chết đi, mà còn đánh trả quân xâm lược những đòn chí tử cho đến phút chót.
Nhân Xuân Tha Hương nhớ người chiến sĩ VNCH, nhớ anh thương phế binh sống tủi nhục đau đớn ở quê nhà, tôi xin đăng lại một chiến tích xuất sắc đáng được hãnh diện về quân lực của chúng ta

Trần Quang Khôi

TRẬN ĐÁNH ĐỨC HUỆ

1. Tình hình chung ở Vùng 3 Chiến Thuật

Sau khi ký kết Hiệp Định Paris, đầu năm 1973, Quân đội Mỹ ở Miền Nam Việt Nam (MNVN) bắt đầu rút quân về nước. Các đơn vị chủ lực của CSVN ở Vùng 3 Chiến Thuật gồm có 3 Sư Đoàn Bộ binh: 5, 7, 9 và các đơn vị đặc công ém quân bên kia biên giới Việt Miên thường xuyên xâm nhập vào lãnh thổ nước ta quấy nhiễu hoặc bao vây tấn công các đồn biên phòng của chúng ta dọc theo biên giới ở các tỉnh Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Long và Phước Long.
Chủ lực của Quân Đoàn III gồm có 3 Sư Đoàn Bộ Binh 5, 18, 25 và Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh được sự yểm trợ trực tiếp của Tiểu Đoàn 46 Pháo Binh 155 ly, Tiểu Đoàn 61 PB 105 ly và Liên Đoàn 30 Công Binh dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, một mặt phải lo dàn mỏng quân ra thay thế Lực lượng II Dã chiến Hoa Kỳ để bảo vệ lãnh thổ chống lại chủ trương “dành dân lấn đất” của Cộng Sản sau khi Hiệp Định Paris ra đời; mặt khác, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Quân Đoàn III phạm sai lầm rất lớn về tổ chức và sử dụng lực lượng là giải tán Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III và phân tán nát Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh ra từng mảnh nhỏ sau khi tôi rời Lữ Đoàn đi du học ở Hoa Kỳ năm 1972. Hai sự kiện đó làm cho Quân Đoàn III bị suy yếu trầm trọng và hoàn toàn bị mất đi tính di động. Vì thế mà Lộc Ninh bị địch chiếm và các đồn biên phòng ở Tây Ninh lần lượt bị lọt vào tay địch.
Tháng 7 năm 1973 tôi từ Mỹ trở về nước. Trung Tướng Phạm Quốc Thuần cũng vừa thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Minh đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân Đoàn III. Ông nghe tiếng tôi đã từng chỉ huy Chiến Đoàn 318 và Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh đánh thắng nhiều trận lớn trên chiến trường Campuchia từ thời Đại Tướng Đỗ Cao Trí trong 2 năm 1970-1971, nên vận động xin tôi về trở lại Quân Đoàn III với ông. Ngày 7 tháng 11 năm 1973, tôi nhận quyền chỉ huy Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh ở Biên Hòa.
Việc đầu tiên là tôi gom các đơn vị Thiết Giáp bị phân tán về lại Lữ Đoàn và trình Trung Tướng Thuần gấp rút tổ chức lại Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III (LLXKQĐIII) theo mô hình tổ chức của Đại Tướng Đỗ Cao Trí. Ông cho tôi toàn quyền hành động.

Tình hình quân sự ngày càng nặng sau khi quân Mỹ rút đi. Trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972, nhiều chiến xa T-54 địch xuất hiện lần đầu tiên ở miền Nam trên chiến trường ở An Lộc, nên tôi tiên đoán chiến trường tương lai chiến xa địch có thể xuất hiện ở Biên Hòa; tôi xin Quân Đoàn trang bị cho tất cả các đơn vị Địa Phương Quân ở Biên Hòa súng phóng hỏa tiễn M72 chống chiến xa, được phép huấn luyện họ sử dụng loại vũ khí này và huấn luyện họ phối hợp tác chiến với Thiết Giáp, đồng thời tích cực tổ chức địa thế chống chiến xa địch chung quanh thành phố Biên Hòa. Các đường xâm nhập vào thành phố đều được thiết kế đặt mìn chống chiến xa và hầm hào chống chiến xa địch. Chính nhờ nỗ lực này của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh mà sau này trong “Chiến Dịch HCM” năm 1975 của Cộng Sản Bắc Việt, Quân Đoàn 4 CS đã thất bại trong kế hoạch đánh chiếm tỉnh Biên Hòa và Sư Đoàn 341 CS bị quân ta đánh bại ở Biên Hòa trong ngày 30-4-1975.

Tôi ra sức cải tổ lại Lữ Đoàn 3 KB cho phù hợp với địa thế Việt Nam. Mỗi chi đội chiến xa có 3 chiến xa M48 thay vì 5 chiếc. Tôi cơ động hóa Pháo Binh bằng cách dùng xe xích M548 biến cải chở pháo 105 ly. Tôi tổ chức LLXKQĐIII thành một đại đơn vị liên binh Thiết Giáp – Biệt Động Quân – Pháo Binh – Công Binh hoàn toàn cơ động gồm 3 Chiến Đoàn : 315, 318 và 322. Tôi gấp rút huấn luyện tác chiến liên binh thuần thục và thường xuyên làm công tác tư tưởng để mọi quân nhân hiểu rõ địch, hiểu rõ nhiệm vụ và mục tiêu chiến đấu của chúng ta, nhất là để mọi chiến sĩ dưới quyền có niềm tin ở sự chỉ huy của tôi. Đến hạ tuần tháng ba, 1974, LLXKQĐIII đã trở thành một đại đơn vị cơ động tinh nhuệ sẵn sàng lên đường chiến đấu.

2. Tình hình đặc biệt :

Cuộc chiến đấu anh hùng của Tiểu Đoàn 83 Biệt Động Quân Căn Cứ Đức Huệ nằm khoảng 56 km hướng Tây Bắc Sài Gòn gần biên giới Việt Miên thuộc quận Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa do Tiểu Đoàn 83 BĐQ Biên phòng trấn giữ với quân số trên dưới 420 người cùng với gia đình vợ con binh sĩ vào khoảng 80 người sống trong căn cứ nguyên là một trại Lực lượng Đặc biệt của Mỹ để lại (xem hình trái). Tiểu Đoàn trưởng là Thiếu Tá Hoa Văn Hạnh. Khi xảy ra trận chiến thì Thiếu Tá Hạnh đi nghỉ phép vắng mặt. Thiếu Tá Nguyễn Văn Bảo, Tiểu Đoàn phó thay thế chỉ huy.

Tiểu Đoàn 83 BĐQ có 4 Đại Đội tác chiến và 1 Đại Đội Chỉ huy và Công vụ:

– Trung Úy Thạch Thông chỉ huy Đại Đội 1,
– Trung Úy Hiền chỉ huy Đại Đội 2,
– Trung Úy Thất chỉ huy Đại Đội 3,
– Trung Úy Tuội chỉ huy Đại Đội 4 và
– Thiếu Úy Vạng chỉ huy Đại Đội Chỉ huy và Công vụ.

Được tin tình báo VC sẽ đến đánh căn cứ, Thiếu Tá Nguyễn Văn Bảo cho 3 Đại Đội tác chiến ra ngoài căn cứ: 1 Đại Đội bố trí các tiền đồn an ninh xa và 2 Đại Đội hành quân tìm và diệt địch ngoài xa căn cứ. Còn lại một Đại Đội tác chiến trừ bị bố phòng trong căn cứ.

(1) Đêm 27- 3-1974, một đaị đội Đặc Công CS xâm nhập được vào bên trong Căn Cứ Đức Huệ; vào lúc 02:00 giờ sáng ngày 28-3-1974, chúng chiếm được một góc trong căn cứ. Ngay từ những phát súng nổ đầu tiên, Thiếu Tá Bảo bị thương ở chân, gọi được 3 Đại Đội tác chiến bên ngoài gấp rút trở về. Tiểu Đoàn tập trung lại phản công quyết liệt. Bên ngoài căn cứ, Sư Đoàn 5 CS (Công Trường 5) bao vây chặt; pháo binh địch tập trung hỏa lực pháo kích vào căn cứ rất dữ dội. Bên trong căn cứ Biệt Động Quân và Đặc Công CS cận chiến giành nhau từng vị trí một, đánh nhau bằng lưỡi lê và lựu đạn. Đến sáng thì đại đội Đặc công CS bị quân ta tiêu diệt hết.

Tiểu Đoàn 83 BĐQ làm chủ tình hình bên trong căn cứ, tổ chức lại phòng thủ chặt chẽ và sử dụng Pháo Binh của Tiểu Khu Hậu Nghĩa bắn yểm trợ hỏa lực chung quanh căn cứ. Trong khi đó, các Đại Đội tác chiến BĐQ bố phòng bên trong chặn đứng các đợt xung phong bên ngoài của các đơn vị bộ bnh Sư Đoàn 5 CS. Hai bên giao chiến ác liệt ngày đêm không ngừng nghỉ.

Tiểu Đoàn 36 BĐQ do Thiếu Tá Lê Quang Giai chỉ huy, tăng phái cho Tiểu Khu Hậu Nghĩa, vượt sông Vàm Cỏ Đông ở Đức Hòa tiến về hướng Căn Cứ Đức Huệ bị phục binh của các đơn vị thuộc Sư Đoàn 5 CS ở Giồng Thổ Địa thuộc xã Đức Huệ tấn công buộc Tiểu Đoàn phải thối lui lại gần bờ sông Vàm Cỏ.

(2) Bộ Tư lệnh Quân Đoàn III liền điều động Bộ Chỉ huy Liên Đoàn 33 BĐQ do Trung Tá Lê Tất Biên phụ trách sang Đức Hòa cùng với Tiểu Đoàn 64 BĐQ do Thiếu Tá Nguyễn Chiêu Minh chỉ huy. Ngày 31-3-1974, Đại Đội 3 thuộc Tiểu Đoàn 64 BĐQ (khoảng 50 người) do Trung Úy Anh chỉ huy được trực thăng vận xuống Căn Cứ Đức Huệ tăng cường cho Tiểu Đoàn 83 BĐQ, đồng thời Tiểu Đoàn 64 BĐQ (-) vượt sông Vàm Cỏ Đông ở gần nhà máy đường Hiệp Hòa, nhập với Tiểu Đoàn 36 BĐQ làm 2 cánh quân tiến song song về hướng Căn Cứ Đức Huệ ở cách đó chừng 10 cây số đường chim bay về hướng Tây. Tiến được chừng 2 cây số, khoảng hơn 1 trung đoàn Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 5 CS từ những vị trí hầm hào đào sẵn, xông lên tấn công mạnh, đồng thời pháo binh địch tập trung hỏa lực bắn xối xả vào đội hình của hai cánh quân này gây tổn thất nặng. Cuối cùng Tiểu Đoàn 64 BĐQ (-) và Tiểu Đoàn 36 BĐQ buộc phải gom quân rút lui về lại bên này bờ sông Vàm Cỏ (xem hình 1).

(3) Sư Đoàn 25 BB hành quân giải tỏa. Tiếp theo, Bộ Tư lệnh QĐIII giao nhiệm vụ cho Sư Đoàn 25 BB do Đại Tá Nguyễn Hữu Toán chỉ huy, tổ chức hành quân giải tỏa Căn Cứ Đức Huệ. Đại Tá Toán liền điều động các đơn vị thuộc Sư Đoàn đang hành quân trong vùng lân cận biên giới từ phía Bắc đến giải tỏa (xem hình 1). Một căn cứ hỏa lực được thành lập tại làng Phước Chỉ thuộc tỉnh Tây Ninh. Căn cứ này nằm cách biên giới khoảng 2 Km về phía Nam đồn biên giới An Hòa và cách Căn Cứ Đức Huệ khoảng 13 Km về phía Bắc. Ngoài Tiểu Đoàn Pháo Binh 105 ly cơ hữu Sư Đoàn phối trí trong căn cứ Phước Chỉ, còn có Trung đoàn 46/SĐ25 BB được tăng cường Chi đoàn 3/10 Thiết kỵ. Chi đoàn trưởng Chi đoàn này là Đại Úy Trần Văn Hiền. Tất cả lực lượng liên binh này được đặt dưới quyền điều động của Trung Tá Cao Xuân Nhuận, trung đoàn trưởng Trung đoàn 46 BB và được giám sát chỉ huy bởi Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 25 BB ở Củ Chi.

Để đối phó với đoàn quân giải tỏa của Sư Đoàn 25 BB, quân địch đã chủ động tổ chức địa thế, bố trí quân kín đáo chờ đánh quân tiếp viện. Chúng đặt các chốt chặn trên trục tiến quân của ta không vượt qua được, đồng thời Pháo Binh tầm xa của chúng nằm sâu bên kia biên giới mở những trận địa pháo chính xác, liên tục và ác liệt gây nhiều thương vong cho Trung đoàn 46 BB, làm tê liệt các cánh quân không điều động được, nên kế hoạch giải tỏa của Sư Đoàn 25 BB thất bại. Một phi cơ quan sát L19 bị phòng không địch bắn rơi gần đó, Trung đoàn cũng không tiếp cứu nổi phi hành đoàn. Sau đó quân địch pháo kích tập trung hỏa lực thẳng vào căn cứ Phước Chỉ bằng hỏa tiễn 107 ly và 122 ly khiến Trung Tá Cao Xuân Nhuận, trung đoàn trưởng Trung đoàn 46/SĐ25 BB bị tử thương. Trong suốt thời gian gần một tháng trời, quân bạn không đem lại một kết quả khả quan nào, hàng ngày vẫn bị pháo kích dồn dập, trực thăng tản thương và tiếp tế bị bắn rớt ngay trong căn cứ, 1 khu trục cơ Skyraider yểm trợ hành quân và 1 phi cơ DC3 thả dù tiếp tế bị hỏa tiễn SA 7 bắn rớt; những cánh dù mang lương thực và đạn dược cho Căn Cứ Đức Huệ thường bay ra ngoài vòng rào và lọt vào tay quân địch. Như vậy là cả hai nỗ lực từ phía sông Vàm Cỏ Đông của BĐQ qua và từ phía Bắc của Sư Đoàn 25 BB xuống đều bị thất bại trong việc tiếp cứu Tiểu Đoàn 83 BĐQ (xem hình 1).

(4) Những “Anh hùng Alamo Việt Nam”. Bên trong căn cứ, trong lúc đó, các chiến sĩ Tiểu Đoàn 83 BĐQ và Đại Đội 3 của Trung Úy Anh thuộc Tiểu Đoàn 64 BĐQ dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Nguyễn Văn Bảo chiến đấu vô cùng dũng mãnh, càng đánh càng hăng từ lúc đầu cận chiến với đặc công địch bằng lưỡi lê và lựu đạn bên trong căn cứ cho đến về sau này phải chiến đấu đẩy lui các đợt xung phong của địch ngày đêm không ngừng nghỉ. Cuối cùng lương thực và đạn dược bắt đầu cạn, căn cứ bị cô lập không được tiếp tế, không tản thương được, nhưng không vì thế mà tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ BĐQ bị suy giảm. Họ thề quyết tử chiến với quân thù. Gia đình vợ con của các chiến sĩ BĐQ trong căn cứ cũng tích cực tham gia chiến đấu bên cạnh chồng cha họ. Họ cổ võ, họ giúp tản thương, cứu thương, tiếp tế đạn dược và lo cơm nước. Có người còn cầm súng chiến đấu vô cùng dũng cảm. Mặc dù tỷ lệ quân số giữa ta và địch quá chênh lệch, quân địch không sao dứt điểm được. Xác địch chồng chất ngổn ngang bên trong và bên ngoài Căn Cứ Đức Huệ.

So sánh sự tử thủ nổi tiếng của quân đội Mỹ ở đồn binh “Alamo” năm 1836 do Trung Tá William Barret Travis chỉ huy với quân số 189 người chống lại sự bao vây và tấn công của hơn 2,000 quân Mễ với tỷ lệ quân số hai bên là 1/11. Sau 13 ngày đêm tử chiến, đồn binh bị quân địch tràn ngập ngày 6-3-1836. Tất cả 189 chiến sĩ trong đồn binh đều tử trận, chỉ còn sống sót 14 người là đàn bà và trẻ con. Khoảng 1,600 quân Mễ bị giết.

Hoặc so sánh sự tử thủ nổi tiếng của quân Lê-Dương Pháp ở làng “Camerone” ngày 30-4-1863 với 65 chiến sĩ do Đại Úy Danjou chỉ huy chống lại sự bao vây và tấn công của 2,000 quân Mễ với tỷ lệ quân số hai bên là 1/34. Sau 11 giờ tử chiến, quân Lê-Dương Pháp giết hơn 300 quân Mễ, vị trí phòng thủ bị tràn ngập, 62 quân Lê-Dương Pháp bị giết, chỉ còn sống sót 3 người bị trọng thương.

Tiểu Đoàn 83 BĐQ phòng thủ trong Căn Cứ Đức Huệ với quân số khoảng 420 người được tăng cường 50 người của Đại Đội 3 thuộc Tiểu Đoàn 64 BĐQ. Tổng cộng quân số là 470 người chống lại sự bao vây và tấn công của hơn 6,500 quân của Sư Đoàn 5 CS với tỷ lệ quân số đôi bên là 1/13. Sau hơn 1 tháng chiến đấu quyết liệt từ ngày 27-3-1974 đến ngày 28-4-1974, giữ vững vị trí phòng thủ, giết hơn 200 quân địch và gây thương tích cho khoảng 500 tên khác. Tổn thất bên BĐQ là 24 chết và hơn 100 người bị thương.

Mặc dù thời đại có khác nhau, mẫu số chung của những anh hùng ở Alamo, Camerone và Đức Huệ là sự quyết tâm tử thủ bằng mọi giá. Với tỷ lệ quân số đôi bên chênh lệch như thế, họ vẫn hiên ngang chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến hơi thở cuối cùng. Có thể nói không quá đáng là những chiến sĩ Biệt Động Quân chiến đấu ở Căn Cứ Đức Huệ đích thật là những “Anh hùng Alamo Việt Nam”.

Sự chiến đấu kiên cường và dũng cảm của BĐQ ở Căn Cứ Đức Huệ còn chứng minh hùng hồn cho thế giới thấy rằng tinh thần và khả năng chiến đấu của quân lực chúng ta không thua bất cứ quân đội tân tiến nào trên thế giới. Một số người thiển cận và một số dư luận báo chí kỳ thị của Mỹ cho rằng khi Quân đội Mỹ rút đi khỏi Miền Nam Việt Nam thì Quân Lực VNCH thiếu tinh thần chiến đấu đưa đến việc mất Miền Nam Việt Nam. Nhận định này là vô lý và hoàn toàn sai sự thật. Mất Miền Nam Việt Nam rõ ràng là vì quân ta thiếu phương tiện chiến đấu chứ không phải thiếu tinh thần chiến đấu.

3. Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh – Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III Xuất Trận:

Vấn đề vô cùng khẩn trương lúc đó là việc tản thương, cứu thương và tiếp tế lương thực, nước uống, đạn dược cho Căn Cứ Đức Huệ trong lúc mọi đường giao thông liên lạc vào căn cứ đều bị Sư Đoàn 5 CS hoàn toàn cắt đứt nhiều ngày. Căn cứ bị cô lập và bị bao vây chặt. Tình hình bên trong căn cứ rất căng thẳng.

(1) Ngày 17-4-1974, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, tư lệnh Quân Đoàn III, cho gọi tôi. Lúc bấy giờ tôi đang chỉ huy Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh hành quân thám sát “Khu Tam Giác Sắt” và “Vùng Hố Bò”, sau khi Chiến Đoàn 315 của Trung Tá Dư Ngọc Thanh đập tan Tiểu Đoàn Tây Sơn thuộc Trung đoàn 101 Địa phương Việt Cộng giải tỏa áp lực địch chung quanh đồn Bò Cạp và đồn Chà Rày thuộc Chi Khu Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh.

Tôi lên trực thăng chỉ huy bay về Biên Hòa trình diện Trung Tướng Tư lệnh Quân Đoàn. Ông tiếp tôi và cho tôi biết qua tình hình địch và bạn và tình trạng hiện nay bên trong Căn Cứ Đức Huệ. Sau đó Trung Tướng ra lệnh cho tôi lấy trực thăng bay qua Đức Hòa xem xét tình hình chiến sự bên đó rồi về trình cho ông biết ý kiến.

Tôi liền lên trực thăng bay qua Đức Hòa. Trên đường bay, tôi mải mê lo nghĩ phải làm gì để đối phó với Sư Đoàn 5 CS đây? Linh tính cho tôi biết có thể tôi sẽ được Bộ Tư lệnh Quân Đoàn chỉ định giải quyết tình trạng nguy kịch ở Căn Cứ Đức Huệ. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn. Cách đánh của quân địch từ trước tới nay vẫn là “Công Đồn Đả Viện”. Địch chủ động tổ chức chiến trường nhiều ngày chờ ta đến. Pháo binh tầm xa của chúng bố trí an toàn bên kia biên giới và sẵn sàng mở những trận địa pháo chính xác và ác liệt khó lọt qua được. Địch lại nắm ưu thế về quân số và địa thế. Ta có lực lượng Thiết Giáp hùng hậu, ta làm chủ không phận và có không lực yểm trợ mạnh mẽ. Nhưng gần đây, quân địch được trang bị nhiều vũ khí tối tân của Liên Sô như hỏa tiễn phòng không tầm nhiệt SA7 đã gây cho Không Lực ta nhiều tổn thất đáng kể, và hỏa tiễn chống chiến xa AT3, một loại hỏa tiễn lợi hại có bộ phận điều khiển giống hỏa tiễn TOW chống xe tăng của Mỹ. Tôi đã từng gặp hỏa tiễn AT3 này một lần trên chiến trường Campuchia. Mải mê suy nghĩ, trực thăng đáp xuống sân bay Đức Hòa lúc nào không biết khi một loạt đạn pháo kích của địch nổ chát chúa chung quanh trực thăng làm tôi giật mình bừng tỉnh. Tôi cầm bản đồ phóng nhanh xuống đất và ra dấu cho trực thăng bay đi. Tôi vội lên xe Jeep đang chờ và cho tài xế chạy nhanh đến nhà máy đường Hiệp Hòa là nơi Bộ Chỉ huy Liên Đoàn 33 BĐQ đang tạm đóng. Tôi leo lên tầng cao nhất của nhà máy. Ở đây nhìn ra ngoài, ta thấy con sông Vàm Cỏ Đông uốn khúc bên dưới. Bên kia sông là một dãy đất trải dài xa tắp đến tận biên giới Việt Miên. Trung Tá Lê Tất Biên, Liên Đoàn trưởng Liên Đoàn 33 BĐQ, tiếp tôi và thuyết trình cho tôi rõ tình hình của cánh quân BĐQ ở phía Đông Căn Cứ Đức Huệ. Sau khi vượt sông Vàm Cỏ Đông thất bại, Tiểu Đoàn 36 BĐQ và Tiểu Đoàn 64 BĐQ đang tổ chức lại hàng ngũ, bổ sung quân số và chờ lệnh mới của Bộ Tư lệnh Quân Đoàn (xem hình 1).

(2) Kế hoạch hành quân của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh.

Rời Bộ Chỉ huy của Liên Đoàn 33 BĐQ, tôi lên trực thăng bay về hướng biên giới. Tôi cho trực thăng bay thật cao để có cái nhìn tổng quát bên dưới và cũng để đề phòng phòng không của địch bố trí dày đặc ở bên dưới. Bay qua khỏi sông Vàm Cỏ Đông là đến vùng biên giới Việt Miên. Bên này biên giới là một dãy đất bằng phẳng sình lầy, chi chít những kinh lạch gần giống như vùng Đồng Tháp Mười ở Miền Tây. Xa xa trên đất Miên là những làng mạc rải rác vắng vẻ. Nằm xa tít về hướng Nam là Căn Cứ Đức Huệ lẻ loi, cô độc. Tôi cho trực thăng bay sâu vào đất Miên. Thị trấn ChiPu của Campuchia xuất hiện ở phía trước. Về phía Nam một chút, có một khu rừng chừng 10 mẫu tây gây sự chú ý của tôi. Tôi chợt nhớ lại cách đó 4 năm, trong cuộc hành quân “Toàn Thắng 42″ cuối tháng 4-1970, tôi có đi qua khu rừng này và tôi có biết rất rõ địa thế phía Nam của Thị trấn ChiPu.

Trong chớp mắt, tôi thấy ngay là phải hành động như thế nào để đánh bại Sư Đoàn 5 CS, cứu Tiểu Đoàn 83 BĐQ ở Căn Cứ Đức Huệ. Quả thật giản dị đúng như Napoléon nói: “La guerre est un art simple et tout d’exécution” (Chiến tranh là một nghệ thuật giản dị và tất cả là cách thực hiện trên chiến trường). Trong đầu tôi hiện ra cách thực hiện một kế hoạch hành quân giản dị trong đó hành động táo bạo, nhanh chóng và hoàn toàn bất ngờ là chìa khóa của thắng lợi. Lòng tôi cảm thấy nhẹ nhỏm.

Trở về hậu cứ của Lữ Đoàn ở Biên Hòa, tôi liền tự tay phác họa ra kế hoạch phản công trong vòng 20 phút. Đặc điểm của kế hoạch này là sự giản dị tối đa và bất ngờ hoàn toàn: Toàn bộ LLXKQĐIII sẽ cùng tôi vượt biên đêm và bí mật tiến sâu vô lãnh thổ Campuchia về hướng ChiPu. Nỗ lực chính là đột kích đêm vào hậu tuyến của Sư Đoàn 5 CS từ hướng Nam ChiPu. Phải hết sức giữ bí mật và hành động thật nhanh, tập trung toàn bộ sức mạnh của Thiết Giáp, khai thác tối đa tốc độ và “Shock Action” trên trận địa, không cho địch trở tay kịp (xem hình 2).

Tôi cầm kế hoạch trong tay đi lên Bộ Tư lệnh Quân Đoàn gặp Trung Tướng Phạm Quốc Thuần. Ông tiếp tôi và tôi xin được trình bày. Tôi trải tấm bản đồ 1/50,000 ra bàn. Ông chăm chú lắng nghe tôi nói: “Sáng nay, theo lệnh Trung Tướng, tôi đã bay đi thám sát mặt trận ở Đức Hòa – Đức Huệ. Tình hình rất xấu, chúng ta phải hành động ngay, sợ không kịp vì Căn Cứ Đức Huệ bị vây hãm từ 27-3 đến nay hơn 20 ngày. Tiếp tế và tản thương cho Căn Cứ Đức Huệ bị địch cắt đứt hoàn toàn. Tôi xin đề nghị lên Trung Tướng: Sử dụng LLXKQĐIII phản công ở Căn Cứ Đức Huệ. Kế hoạch phản công của tôi có 2 giai đoạn.

– Giai đoạn 1: Hành quân lừa địch: Từ ngày N-6 đến ngày N: Rút LLXKQĐIII đang hành quân thám sát trong tỉnh Tây Ninh về khu Cò mi ở Lái Thiêu (Thủ Đầu Một). Tôi sẽ tung tin là LLXKQĐIII sẽ di chuyển lên Xuân Lộc (Long Khánh). Mục đích của cuộc điều quân này là làm cho quân địch tưởng là lực lượng Thiết Giáp sẽ rút đi đến một nơi khác.

– Giai đoạn 2: Hành quân phản công: Từ ngày N: Xuất quân đêm, trở lên Gò Dầu Hạ, vượt biên giới tiến sâu vào lãnh thổ Campuchia về hướng ChiPu. Sau đó chuyển sang hướng Nam ChiPu, dựa vào đêm tối tấn công toàn lực vào hậu tuyến của Sư Đoàn 5 CS bố trí ở phía Tây Căn Cứ Đức Huệ ” (xem hình 2).

Sau khi tôi trình bày xong, Trung Tướng có vẻ băn khoăn lo lắng. Ông suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Tôi lo kế hoạch này của anh sẽ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng về chính trị. Vì như thế là chúng ta xâm phạm vào lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Chính phủ Campuchia sẽ có phản ứng và Liên Hiệp Quốc chắc chắn sẽ lên tiếng phản đối. Tôi sẽ gặp khó khăn.
– Nhưng thưa Trung Tướng, CSBV đâu có tôn trọng chủ quyền của Campuchia. Chúng đang sử dụng lãnh thổ của Campuchia để tấn công chúng ta.
Tôi đáp lại.

– Đúng vậy, nhưng đây là một vấn đề rất tế nhị. Anh có thể làm một kế hoạch khác được không?
Ông hỏi tôi. Tôi liền đáp:
– Thưa Trung Tướng, tôi đã xem xét kỹ tình hình và địa thế, tôi nghĩ chỉ có kế hoạch này chúng ta mới đánh bại Sư Đoàn 5 CS, cứu Tiểu Đoàn 83 BĐQ ở Căn Cứ Đức Huệ.

Ông trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Thôi được, tôi sẽ trình kế hoạch này của anh lên Tổng Thống để ông quyết định. Nếu được chấp thuận, anh sẽ chỉ huy cuộc hành quân này. Hãy về chuẩn bị lực lượng.

Tôi nhận lệnh, đứng nghiêm chào rồi lui ra. Trên đường về Lữ Đoàn, tôi nghĩ chắc rồi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ chấp thuận vì chúng ta không thể vì lo ngại Liên Hiệp Quốc mà hy sinh sinh mạng của hơn 500 chiến sĩ BĐQ và gia đình họ ở Căn Cứ Đức Huệ.
Trong lòng tôi rất vui mừng và biết ơn được vị tư lệnh Quân Đoàn tín nhiệm. Đây là lần đầu tiên tôi có trong tay sự tập trung một lực lượng Thiết Giáp lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tôi được cho toàn quyền hành động để đương đầu trực diện với một Sư Đoàn CS kể từ khi Hiệp Định Paris ra đời.
Tôi vừa được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thăng cấp tướng một sao cùng với các anh Nguyễn Văn Điềm Sư Đoàn 1 BB, Phạm Ngọc Sang Không quân, Hoàng Cơ Minh Hải quân. . . Đây là dịp tôi muốn chứng tỏ khả năng chỉ huy của mình và muốn chứng tỏ một đại đơn vị Thiết Giáp biết sử dụng tập trung là một vũ khí lợi hại có thể đánh bại các đại đơn vị CS trong thế công cũng như trong thế thủ.
Ngày 20-4-1974, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chấp thuận Kế hoạch Hành quân của tôi, đồng thời ra lệnh cho Không lực VNCH trực tiếp yểm trợ tác chiến cho Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh 120 phi xuất (Tactical Air Support) từ ngày N đến ngày N+3 theo yêu cầu của tôi.
Tôi chọn ngày N là ngày 28-4-1974.

(3) Công tác chuẩn bị

Ngày 21-4-1974, Bộ Tư lệnh Quân Đoàn III triệu tập buổi họp hành quân ở Biên Hòa do Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, tư lệnh Quân Đoàn III chủ tọa. Có mặt Bộ Tham Mưu Quân Đoàn, Bộ Chỉ huy 3 Tiếp Vận và 3 tư lệnh Sư Đoàn 5, 18, 25: Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo và Đại Tá Nguyễn Hữu Toán. Sau khi Bộ Tham Mưu trình bày tình hình chung ở Vùng 3 Chiến thuật và tình hình đặc biệt ở Căn Cứ Đức Huệ, Trung Tướng tư lệnh Quân Đoàn tuyên bố chỉ định tôi thay thế tư lệnh Sư Đoàn 25 Bộ binh chỉ huy mặt trận Đức Hòa – Đức Huệ và sử dụng LLXKQĐIII phản công, giải vây Căn Cứ Đức Huệ. Tôi đứng lên trình bày ngắn gọn trước hội nghị Kế hoạch Hành quân vượt biên đêm của LLXKQĐIII ở Gò Dầu Hạ và Hành quân Phản công của LLXKQĐIII trên lãnh thổ Campuchia (Hình 2).

Theo nhu cầu hành quân của tôi, các đơn vị sau đây được Trung Tướng tư lệnh Quân Đoàn III chỉ định tăng phái cho Lữ Đoàn 3 KB để nằm trong tổ chức của LLXKQĐIII:

– Tiểu Đoàn 64 BĐQ đi với Thiết Đoàn 15 KB, thành phần nòng cốt của Chiến Đoàn 315 do Trung Tá Dư Ngọc Thanh chỉ huy;
– Tiểu Đoàn 36 BĐQ đi với Thiết Đoàn 18 KB, thành phần nòng cốt của Chiến Đoàn 318 do Trung Tá Phan Văn Sĩ chỉ huy;
– 1 Đại Đội Bộ binh thuộc Tiểu Đoàn 1/43 (Sư Đoàn 18 BB) đi với Thiết Đoàn 22 Chiến xa, thành phần nòng cốt của Chiến Đoàn 322 do Trung Tá Nguyễn Văn Liên chỉ huy;
– Thiết Đoàn 10 KB (Sư Đoàn 25 BB) + Tiểu Đoàn 1/43 BB (-) (Sư Đoàn 18 BB) + 1 Chi đội Chiến xa M48 thuộc Thiết Đoàn 22 Chiến xa do Trung Tá Trần Văn Nhuận chỉ huy;
– Tiểu Đoàn 61 Pháo Binh 105 ly + 1 Pháo đội 155 ly thuộc Tiểu Đoàn 46 Pháo Binh do Thiếu Tá Hoa Vạn Thọ chỉ huy;
– Tiểu Đoàn 302 thuộc Liên Đoàn 30 Công binh do Thiếu Tá Lâm Hồng Sơn chỉ huy; một Trung đội Điện tử (Quân Đoàn) do Thiếu Tá Hiển, Trưởng phòng 2 Lữ Đoàn kiểm soát;
– 1 Trung đội Truyền Tin Siêu tần số (Quân Đoàn) do Trung Úy Bùi Đình Lộ Trưởng phòng Truyền tin Lữ Đoàn giám sát;
– 1 Đại Đội yểm trợ Tiếp Vận thuộc Bộ chỉ huy 3 Tiếp vận do thượng sĩ Nhất Phan Thanh Nhàn (Quân cụ) chỉ huy.

Ngoài ra Trung Tướng còn ra lệnh cho 3 tư lệnh Sư Đoàn Bộ Binh cho tôi mượn 6 giàn hỏa tiễn chống xe tăng TOW để phân phối cho mỗi Chiến Đoàn Thiết Giáp vượt biên 2 giàn hỏa tiễn TOW gắn trên xe Thiết vận xa M113 đề phòng trường hợp có chiến xa T 54 của địch xuất hiện trên chiến trường Campuchia.
Trước khi kết thúc buổi họp, Trung Tướng tư lệnh Quân Đoàn chúc tôi thành công trong nhiệm vụ giao phó. Tôi đứng lên đáp lời cám ơn Trung Tướng. Lúc đó trong lòng tôi có một sự tin tưởng mãnh liệt vào chiến thắng của cuộc hành quân này, nên tự nhiên tôi buột miệng thốt ra:
– Thưa Trung Tướng, chúng tôi sẽ đánh bại Sư Đoàn 5 Cộng Sản!

Trên đường về Lữ Đoàn, tôi giật mình khi nghĩ lại những lời mình vừa nói. Tại sao tôi dám liều lĩnh khẳng định trước hội nghị là sẽ đánh bại Sư Đoàn 5 Cộng Sản? Mặc dù tôi có trong tay LLXKQĐIII là một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ chưa từng bị thất trận và mặc dù tôi đã nắm chặt trong tay những yếu tố có tính cách quyết định thắng lợi, nhưng vẫn còn 2 yếu tố khác ngoài tầm tay của tôi có thể làm tôi bị thất bại trong cuộc hành quân này. Đó là thời tiết và kế hoạch hành quân bị bại lộ. Thật vậy, nếu đến ngày N là ngày xuất quân trời đổ mưa trong vùng hành quân, địa thế trở nên lầy lội, tôi sẽ không thể điều động lực lượng Thiết Giáp như ý muốn được, hoặc kế hoạch hành quân của tôi được trình lên phủ Tổng Thống để xin quyết định, nếu bị tiết lộ ra ngoài, chắc chắn sẽ đưa tôi đến thảm bại. Cứ nghĩ đến 2 yếu tố này là tôi không ăn ngủ được. Tôi thấy hối tiếc đã thốt ra những lời khẳng định trước là sẽ đánh thắng quân địch. Lời khẳng định này cứ ám ảnh tôi ngày đêm. Cuối cùng tôi tự nhủ: phải giữ đúng lời hứa; bằng mọi cách, mọi giá, phải đánh thắng Sư Đoàn 5 Cộng Sản.

Ngày 22-4-1974, tôi ra lệnh cho toàn bộ LLXKQĐIII đang hành quân thám sát trong Chi Khu Khiêm Hanh thuộc tỉnh Tây Ninh rút quân về đóng ở Khu Cò mi thuộc quận Lái Thiêu tỉnh Bình Dương (Thủ Đầu Một). Tôi cho phao tin là LLXKQĐIII sẽ di chuyển qua Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh. Mục đích của cuộc rút quân này là để đánh lừa địch, làm cho chúng tưởng là quân Thiết Giáp sẽ rút đi luôn không trở lại. Tôi cho trung đội điện tử thường xuyên nghe lén và theo dõi địch trao đổi tin tức với nhau. Khi LLXKQĐIII vừa rút đi khỏi Gò Dầu Hạ về Lái Thiêu thì đài tình báo của địch ở An Hòa Gò Dầu lên tiếng báo cáo: “Quân Thiết Giáp đã rút đi”. Tôi biết chắc là chúng đã bị mắc lừa.

Từ ngày 22-4-74 đến ngày 28-4-74, trong 6 ngày này đóng quân ở Khu Cò mi quận Lái Thiêu, các Chiến Đoàn 315, 318 và 322 theo lệnh tôi ra sức ôn tập hợp đồng tác chiến giữa Thiết Giáp – Biệt Động Quân – Pháo Binh từ cấp Trung đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn, Chiến Đoàn thật nhuần nhuyễn. Riêng tôi trong 6 ngày đó, tôi tích cực không ngừng làm công tác tư tưởng. Karl Max nói: “Nếu tư tưởng được đả thông, mọi người đều giác ngộ thì sức mạnh vật chất sẽ tăng lên gấp đôi.” Kinh nghiệm chiến trường cho tôi thấy tinh thần hăng say làm tăng sức mạnh của đơn vị lên gấp bội. Khơi dậy được sự chiến đấu của toàn quân là yếu tố số một của thắng lợi. Tôi lần lượt đi xuống họp với các cấp chỉ huy Trung đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn của các binh chủng và với các Chiến Đoàn trưởng, nói rõ tình hình của ta và địch, nói rõ nhiệm vụ và cách đánh của LLXKQĐIII để mọi người đều thông suốt và tin tưởng sự tất thắng của chúng ta. Tôi thuyết phục họ tin ở sự chỉ huy của tôi và nói rõ sự quyết tâm của tôi là phải chiến thắng bằng mọi giá. Tôi thúc đẩy họ, tôi nói đến tình đồng đội: Chúng ta không thể bỏ rơi đồng đội của mình đang bị địch bao vây và mong chờ chúng ta đến cứu họ. Tôi nhắc đến những chiến thắng vẻ vang năm xưa thời Đại Tướng Đỗ Cao Trí:
– Chúng ta đã từng gặp nhiều trận khó khăn gây cấn hơn trận này, chúng ta đều chiến thắng, đều vượt qua.
Mỗi lần nói chuyện với các sĩ quan thuộc cấp tôi đều kết luận:
– Kỳ này nhất định phải chiến thắng, tôi sẽ cùng đi với các anh, kỳ này nếu thất bại thì tất cả chúng ta kể cả tôi, sẽ không một ai trở về Việt Nam.
Ý của tôi, quyết tâm của tôi đã rõ ràng: một là chiến thắng trở về, hai là chết trên đất Miên. Không có con đường nào khác.

4. Veni, Vidi, Vici

(1) Ngày N đã đến. Đó là ngày 28-4-1974. Chiều ngày 28-4-1974, Công Binh đã sẵn sàng; Thiếu Tá Lâm Hồng Sơn, Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 302 CB, theo lệnh tôi đã kín đáo cho bố trí từ chiều tối ngày hôm trước ở hai bên bờ sông Gò Dầu Hạ, gần cầu, các phà cao su để đưa chiến xa M48 qua sông. Lúc 20:00 giờ, tôi cải trang đích thân đến tận 2 bờ sông Gò Dầu Hạ kiểm tra Công Binh làm công tác chuẩn bị cho chiến xa vượt sông.
Đúng 22:00 giờ đêm, toàn bộ LLXKQĐIII gồm 3 Chiến Đoàn 315, 318 và 322 cùng Bộ Chỉ huy nhẹ Lữ Đoàn và Pháo Binh Lữ Đoàn bắt đầu rời vùng tập trung ở Lái Thiêu (Thủ Đầu Một) di chuyển bằng đèn mắt mèo và im lặng truyền tin trực chỉ Gò Dầu Hạ.

(2) Ngày 29-4-1974, lúc 00:00 giờ, các chiến xa M48 bắt đầu xuống phà qua sông Gò Dầu Hạ. Các loại xe xích khác và xe chạy bánh qua cầu Gò Dầu Hạ theo Quốc lộ 1 trực chỉ ra hướng biên giới Việt Miên.
Từ 01:00 giờ sáng đến 03:00 giờ sáng, các Chiến Đoàn, Bộ Chỉ huy nhẹ Lữ Đoàn và Pháo Binh Lữ Đoàn lần lượt vượt biên sang lãnh thổ Campuchia và vào vùng tập trung nằm sâu trong đất Miên về hướng Đông Nam thị trấn Chipu (Xem hình 2 và 3).
Đến 03:15 giờ, tất cả các đơn vị đã bố trí xong, trong vùng tập trung, sẵn sàng chờ lệnh xuất phát. Trung đội điện tử theo dõi nghe địch, không thấy chỉ dấu gì chúng nghi ngờ.
Đúng 03:30 giờ, tôi ra lệnh cho hai Chiến Đoàn 315 và 318 vượt tuyến xuất phát, tấn công song song tiến xuống phía Nam, Chiến Đoàn 315 bên phải, Chiến Đoàn 318 bên trái, Bộ Chỉ huy của tôi theo sau Chiến Đoàn 315; Chiến Đoàn 322 trừ bị, bố trí phía Nam Quốc lộ 1 chờ lệnh (Xem hình 3).
Đúng 04:30 giờ, Pháo Binh Lữ Đoàn bắt đầu khai hỏa, tác xạ đồng loạt tập trung vào các mục tiêu của địch nằm phía Tây Căn Cứ Đức Huệ, đồng thời Thiết Đoàn 10 Kỵ Binh và Tiểu Đoàn 1/43 BB (-) vượt tuyến xuất phát mở đường từ căn cứ Phước Chỉ xuống Căn Cứ Đức Huệ. (Xem hình 3).
Đến 05:00 giờ sáng ngày 29-4-74, các cánh quân của Chiến Đoàn 315 và 318 báo cáo chạm địch. Quân ta liền điều động bao vây, chia cắt, tấn công liên tục. Quân địch bị đánh bất ngờ tháo chạy, quân ta truy đuổi chặn bắt. Các Bộ Chỉ huy Trung đoàn, Sư Đoàn, Bộ Chỉ huy Hậu cần và các căn cứ Pháo Binh của quân địch bị quân ta tràn ngập và lần lượt bị quét sạch. Nhiều dàn pháo các loại 4 ống, 8 ống và 12 ống, và hàng ngàn hỏa tiễn 107 ly và 122 ly bị quân ta tịch thu và tiêu hủy tại chỗ. Đặc biệt hơn cả có hơn 30 hỏa tiễn chống xe tăng AT3 của Liên Xô nằm trên giàn phóng, chưa kịp khai hỏa bị quân ta chiếm đoạt.
Đến 08:00 giờ sáng, Không Quân Chiến Thuật lên vùng; Đại Tá Trần Văn Thoàn, tư lệnh phó Lữ Đoàn bay trực thăng chỉ huy, điều khiển Không Lực liên tục oanh kích và oanh tạc địch từ sáng đến chiều tối. Đến 19:00 giờ ngày 29 4 74, đại quân của Sư Đoàn 5 CS bị đánh tan rã rút chạy về hướng Mộc Hóa thuộc Vùng 4 Chiến Thuật. Tôi liền tung cả ba Chiến Đoàn đồng loạt truy đuổi địch và cho Không Quân Chiến Thuật tập trung truy kích chúng sâu trong lãnh thổ Vùng 4 Chiến Thuật. Hàng ngàn quân địch bị giết và bị thương và hàng trăm tên bị quân ta bắt sống.

(3) Sáng ngày 30-4-74, các đơn vị địch còn kẹt lại chung quanh Căn Cứ Đức Huệ chống trả yếu ớt, lần lượt bị quân ta tiêu diệt gần hết. Đến trưa, một cánh quân của Thiết Đoàn 10 đã bắt tay được với Biệt Động Quân trong Căn Cứ Đức Huệ và đến chiều toàn bộ Sư Đoàn 5 CS hoàn toàn bị quân ta quét sạch.
Bộ Chỉ huy của tôi nằm sâu trong lãnh thổ Campuchia về phía Đông Nam Chipu trong một làng nhỏ hoang vắng. Tin chiến thắng làm nức lòng mọi người. Màn đêm xuống, tiếng súng im bặt. Đêm hôm đó thật êm ả, trời trong vắt, đầy sao, lòng tôi tràn ngập một niềm sung sướng khó tả. Có lẽ đây là một đêm đẹp nhất trong đời tôi. Tôi đã khẳng định trước với Quân Đoàn là chúng tôi sẽ đánh bại Sư Đoàn 5 CS và bây giờ chúng tôi đã đánh bại chúng. Tôi đã nói trước khi xuất quân với thuộc cấp là nếu thất bại thì sẽ không một ai được trở về Việt Nam và bây giờ chúng tôi đã chiến thắng có thể trở về. Đối với tôi cũng giống như một canh bạc mà tôi đã lấy mạng sống của tôi ra đánh và bây giờ tôi đã thắng. Cho tới ngày hôm đó trong đời tôi, thật không có một niềm hạnh phúc nào lớn hơn được.
Chưa bao giờ trong lịch sử của hai cuộc chiến tranh Việt Nam có một trận vận động chiến nào mà quân ta hoặc quân Đồng Minh đã chiến thắng một đại đơn vị CS nhanh chóng như thế, triệt để như thế. Tôi chợt nhớ đến cung cách và những lời của Julius Ceasar trong chiến dịch thần tốc ở Zela vùng Tiểu Á báo cáo chiến thắng về La Mã “Veni, Vidi, Vici: “Tôi đến, Tôi thấy, Tôi chiến thắng”, tôi liền lấy một mẫu giấy nhỏ, tự tay thảo ngay bức công điện ngắn báo cáo chiến thắng về Bộ Tư lệnh Quân Đoàn III.
Trân trọng báo cáo:
– Ngày 28-4-74: Xuất quân
– Ngày 29-4-74: Phản công
– Ngày 30-4-74: Tiêu diệt địch

(4) Ngày 2-5-1974, tại Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Lữ Đoàn ở Gò Dầu Hạ, phóng viên đài VOA phỏng vấn hỏi tôi:
– Có phải Thiếu Tướng đã đưa quân sang lãnh thổ Campuchia không?
Tôi liền đáp ngay:
– Không, tôi hành quân dọc theo biên giới trong lãnh thổ của Việt Nam. Chính Cộng Sản Việt Nam mới có quân trên lãnh thổ Campuchia.
Tối đến, đài VOA và đài BBC loan tin chiến thắng của Quân Lực ta ở Căn Cứ Đức Huệ. Riêng đài BBC nói thêm:
– Tướng Trần Quang Khôi nói không có đưa quân sang lãnh thổ Campuchia, nhưng theo tin tức của chúng tôi nhận được thì Quân lực VNCH có truy đuổi quân Cộng Sản Bắc Việt trên lãnh thổ Campuchia.

(5) Ngày 3-5-1974, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi trực thăng đến Gò Dầu Hạ thị sát chiến trường. Trung Tướng Phạm Quốc Thuần và tôi tiếp đón Tổng Thống. Ông vui vẻ bắt tay chúng tôi rồi đi đến xem chiến lợi phẩm tịch thu của quân địch: Rất nhiều vũ khí cộng đồng các loại. Nổi bật là các giàn phóng hỏa tiễn 4 ống, 8 ống và 12 ống cùng hàng trăm hỏa tiễn 107 và 122 ly. Đặc biệt hơn cả là hơn 30 hỏa tiễn AT-3, loại mới nhất của Liên Sô có hệ thống điều khiển chống tăng, lần đầu tiên bị quân ta tịch thu trên chiến trường miền Nam. Các tùy viên quân sự Tây phương mỗi người xin một quả nói để đem về nước nghiên cứu. Nhìn số vũ khí khổng lồ của địch bị quân ta tịch thu mới hiểu được sự tàn phá khủng khiếp trong Căn Cứ Đức Huệ và sự chiến đấu anh hùng của Tiểu Đoàn 83 BĐQ. Tiếp đến, Tổng Thống đi thăm Bộ Tham Mưu Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh và các đơn vị trưởng của các binh chủng trong tổ chức LLXKQĐIII, ông bắt tay khen ngợi từng người và gắn cấp bậc Đại Tá cho Trung Tá Thiết Giáp Dư Ngọc Thanh, Chiến Đoàn trưởng Chiến Đoàn 315. Sau đó Tổng Thống lên trực thăng chỉ huy của tôi cùng tôi bay đến Đức Huệ. Các trực thăng của Trung Tướng Phạm Quốc Thuần và phái đoàn Phủ Tổng Thống bay theo sau.
Trên đường bay, Tổng Thống bắt chuyện với tôi:
– Tôi rất thích tính táo bạo liều lĩnh trong kế hoạch hành quân của anh.
– Thưa Tổng Thống, đây là sự liều lĩnh có tính toán.

Tôi đáp lại. Thấy Tổng Thống vui vẻ, sự hân hoan hiện trên nét mặt, tôi nói đùa một câu tiếng Pháp với Tổng Thống:
– La chance sourit toujours aux audacieux. (Sự may mắn luôn luôn “cười” với những kẻ liều lĩnh).
Ông gật gù cười có vẻ đắc ý lắm.
Trực thăng đáp xuống Căn Cứ Đức Huệ. Các chiến sĩ Tiểu Đoàn 83 BĐQ và Đại Đội 3 thuộc Tiểu Đoàn 64 BĐQ hân hoan tiếp đón Tổng Thống. Ông đi bộ một vòng viếng thăm, ủy lạo và ban thưởng. Doanh trại trong căn cứ bị Pháo Binh địch tàn phá đổ sập gần hết, nhưng sự hãnh diện giữ vững được đồn hiện ra trong đôi mắt của mỗi chiến sĩ BĐQ.
Một chuẩn úy BĐQ còn rất trẻ đi đến tôi, đứng nghiêm chào, rồi thình lình anh bước tới gần tôi, hai tay nắm chặt lấy tay tôi bật khóc và nói:
– Cám ơn Thiếu tướng đã cứu mạng chúng em.
Tôi cảm động ôn tồn đáp lại:
– Chính anh phải cám ơn các em mới đúng. Sự chiến đấu vô cùng dũng cảm của các em là một tấm gương sáng chói, là niềm hãnh diện chung của Quân lực chúng ta. Chúng em mới thật sự là những anh hùng của Quân đội mà mọi người Việt Nam Tự do phải mang ơn các em.

(6) Một tuần sau tôi nhận được một thư của DAO (Defense Attaché Office) trong đó tướng Homer Smith chuyển lời khen ngợi của đại sứ Graham Martin đến tôi: Đây là lần đầu tiên kể từ khi ký kết Hòa Đàm Paris, một kế hoạch hành quân được thiết kế tuyệt hảo và được thực hiện tuyệt hảo (1).
Hai tuần sau, tôi nhận được một thư của Đại Tá Raymond Battreall nguyên Cố Vấn Trưởng của Bộ Chỉ huy Thiết Giáp Binh QLVNCH. Battreall cho rằng đây là một chiến thắng ngoạn mục và xuất sắc nhất trong Chiến tranh Việt Nam. Cuối thư ông viết bằng chữ Việt Nam: Kỵ Binh Việt Nam Muôn Năm.

5. Kết luận:

Đúng một năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân Đoàn 4 CSBV do Thượng tướng Hoàng Cầm chỉ huy đã thất bại trong kế hoạch đánh chiếm tỉnh Biên Hòa, và Sư Đoàn 341 CSBV bị LLXKQĐIII đánh bại ở Biên Hòa buộc phải rút đi sau khi chịu nhiều tổn thất to lớn (2).
Ngay sau đó, LLXKQĐIII kéo quân về tiếp cứu Thủ Đô Sài Gòn thì được lệnh buông vũ khí đầu hàng lúc 10:25 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ai là người chịu trách nhiệm làm mất MNVN? Ai là thủ phạm đưa QLVNCH đến chỗ thua trận?
Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh kể từ ngày thành lập 7-11-1970 đến ngày 30-4-1975 do tôi chỉ huy, luôn luôn chiến thắng hết trận này đến trận khác cho đến phút chót. Không một ai trong chúng tôi lùi bước trước quân thù. Không một ai trong chúng tôi bỏ trốn ra nước ngoài. Tất cả ở tại hàng và chấp nhận định mệnh không than van kêu khóc.
Trong tác phẩm Servitude et Grandeur Militaires, thi sĩ Pháp Alfred De Vigny (1810-1857) nói:
“Danh Dự và Trách Nhiệm đôi khi kết thúc một cách bi thảm. Cho nên, đứng trước một định mệnh tàn khốc, con người phải biết thân phận của mình mà chấp nhận nó một cách can đảm”.

Tháng Giêng 2009

Ghi chú:
(1) GEN Homer Smith wrote: “On behalf of the Honorable Graham Martin, the Ambassador of the United States and myself, I wish to express our felicitations upon the brilliant success of your recent operation.
This was the first time since the Paris Peace Agreement, a plan of operation has been so well planned and so well executed…”
(2) Xin đọc:
– “Danh Dự và Tổ Quốc”, 1995, CT Trần Quang Khôi “Fighting to the Finish”, BG Tran Quang Khoi, p.19 25, ARMOR, March April 1996.
– Hồi Ký “Chặng Đường Mười Nghìn Ngày”, Thượng Tướng Hoàng Cầm.

Lời giới thiệu tác giả:
* TRẦN QUANG KHÔI xuất thân từ khóa 6 TVBQG Đà Lạt 1952.
* Tốt nghiệp:
– Trường Kỵ Binh SAUMUR, Pháp 1955.
– Trường Thiết Giáp Lục Quân Hoa Kỳ FORT KNOX, Kentucky 1959.
– Trường Đại Học Chỉ Huy và Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ FORT LEAVENWORTH, Kansas 1973.
* Cấp bậc và chức vụ sau cùng: Chuẩn Tướng, Tư lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh thuộc Quân Đoàn III/QLVNCH.
* Sau chiến tranh Việt Nam, tướng Khôi bị bắt và bị tù Cộng Sản 17 năm.
* Định cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ năm 1993.
* Tốt nghiệp Trường Đại Học George Mason University, Hoa Kỳ với cấp bằng MA Văn Chương Pháp 1998.

May 31, 2009 Posted by | Chính trị | Leave a comment

Chống tham nhũng, không sợ trả thù

Trích BBC News

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói người tố cáo tham nhũng sẽ không sợ bị trả thù.

Ông Truyền phát biểu tại một hội nghị về phòng, chống tham nhũng lần thứ 5 với đại diện các nhà tài trợ sáng 29/5.

Đây là cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị giữa kỳ không chính thức nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam, sẽ tổ chức ngày 8 và 9/06 tại Buôn Ma Thuột (Dăk Lăk).

Báo điện tử VietnamNet dẫn lời ông Trần Văn Truyền nói Việt Nam sẽ “đảm bảo cơ chế, luật pháp để người phát hiện tiêu cực, tham nhũng sẽ không bị trả thù cũng như cơ chế khen thưởng cho người tố giác tham nhũng”.

Thực thi là vấn đề

Ông cũng nói Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về chống tham nhũng.

Ông cho hay văn bản đã đặt trên bàn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sắp được chuyển cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Reuters dẫn lời ông Ran Liao, từ tổ chức Minh bạch Quốc tế, nói Công ước LHQ sẽ giúp trừng phạt những viên chức Việt Nam nhận hối lộ từ công ty nước ngoài hoặc trả hối lộ ở hải ngoại.

Tuy nhiên, nhiều người tham dự hội nghị ở Hà Nội nói vấn đề chính là cách thực thi luật trên thực tế.

Thách thức thực sự, hay có thể ta nên gọi là vấn đề thực sự, là việc thi hành.

Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman

Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman nhận định: “Thách thức thực sự, hay có thể ta nên gọi là vấn đề thực sự, là việc thi hành.”

Trong bảng xếp hạng tham nhũng của Minh bạch Quốc tế năm 2008, Việt Nam xếp thứ 121 trên tổng số 160 quốc gia.

Ông Ayumi Konishi, đại diện của Ngân hàng Phát triển Á châu ADB ở Việt Nam, nói:

“Tham nhũng là lo ngại nghiêm trọng cho ADB cũng như chính phủ, vì nếu có vấn đề, chúng tôi sẽ gặp khó khăn để tiếp tục giúp quá trình phát triển của Việt Nam.”

Từ ngày 1/6/2009, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến 2020, được Thủ tướng Việt Nam ký, sẽ đi vào hiệu lực.

Trong cái gọi là Nghị quyết 21 được ông Nguyễn Tấn Dũng ký hôm 12/5/2009, tham nhũng được cho là “vẫn diễn biến phức tạp”.

May 30, 2009 Posted by | Chính trị | Leave a comment

Sao lại cúi đầu trước Trung Quốc (Christian Caryl & Mary Hennock)

Trích Thông Luận

“… Nhiều lãnh đạo trên thế giới tỏ ra sẵn sàng nhường vị thế thống trị châu Á cho Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc chưa thể đủ khả năng cho vai trò này …”

Ngày càng có nhiều học giả châu Á và phương Tây tuyên bố rằng thời điểm của Trung Quốc cuối cùng cũng đã tới. Ai có thể phản bác được họ? Khi Hoa Kỳ đang phải gắng vật lộn với sự suy giảm nghiêm trọng về kinh tế và phải khôi phục lại hình ảnh đã bị hoen ố do hai cuộc chiến vẫn còn đang tiếp tục như vô tận, Trung Quốc đang lớn lên và khuếch trương ảnh hưởng ra thế giới. Sự tự tin có thể sờ được ở mọi chỗ trên khắp «Vương quốc Trung nguyên» (Middle Kingdom). Tháng trước, tại Diễn đàn Bác-Ngao (câu trả lời của Bắc Kinh đối với Diễn đàn Davos), một loạt các diễn giả Trung Quốc đã không còn lên tiếng với vẻ khiêm nhường thường có nữa và còn chế nhạo Washington về chuyện yếu kém trong quản lý tài chính. Những diễn giả này kêu gọi thiết lập một loại tiền dự trữ mới thay cho Đô-La và đòi hỏi có nhiều ảnh hưởng hơn trong hệ thống kinh tế thế giới. Vài ngày sau đó, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, Bắc Kinh, lần đầu tiên, đã phô cho thế giới thấy hai Tàu ngầm hạt nhân và tuyên bố lực lượng hải quân của họ sẽ sớm phóng sức mạnh ra Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Nhưng điều gây ngạc nhiên đặc biệt về sự trỗi dậy của Trung Quốc là việc mọi người rất ít xem lại thực lực của nó có phù hợp với vị thế quốc gia đứng đầu châu Á không. Thực trạng này cũng diễn ra ngay cả ở Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế gấp 10 lần Trung Quốc. Hoạt cảnh Bắc Kinh đang giữ một vai trò đứng đầu tại các cuộc gặp thượng đỉnh, nơi mà Tokyo nhìn chung không nổi bật, cũng dường như đang được chào đón ở khắp nơi như một sự tưởng thưởng gấp gáp. Ngày càng có thêm các lãnh đạo ở khắp thế giới âm thầm cúi đầu trước Trung Quốc như một siêu cường với hết thảy động lực cho kinh tế. Đó cũng là thông điệp không nói ra khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, ngay tháng trước, đã xin lỗi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về việc đã tiếp kiến Đức Dalai Lama, hoặc khi Hoa Kỳ lặng lẽ dừng việc lên án Trung Quốc thao túng đồng tiền nội địa. Các báo phát hành từ London cho tới Seoul đều đang chạy các tin về sự nổi lên của Trung Quốc như một quốc gia điều khiển thế giới, và nhà báo Martin Jacques gần đây còn dự báo trong tờ The Guardian là Thượng Hải sẽ sớm thay New York làm «trung tâm tài chính thế giới». Ông ta còn không nhắc đến những đối thủ khác trong vùng như Tokyo, Singapore hay Seoul.

Các học giả như David Kang của UCLA (Đại học California, Los Angeles) thậm chí còn cho rằng sự nổi dậy của một trật tự thế giới xoay quanh Trung Quốc có thể là một tiến triển tích cực và mang lại sự ổn định. Trong phần lớn của hai nghìn năm qua, ông ta ghi nhận, rằng người châu Á đã coi sự thống trị của Trung Quốc như một phần của cuộc sống. Và sự thống trị đó thường là hiền lành: trong khi đế chế Trung Quốc muốn các nước láng giềng thừa nhận sự thống lĩnh của nó và phục dịch nó thì ngược lại nó cũng thường để cho các nước đó được yên thân. Tham vọng bá quyền của Trung Quốc đã chứng tỏ rõ ràng tính ổn định và mềm dẻo. Kang còn nói «Nếu nhìn vào lịch sử, bạn sẽ không thể kết luận ngay được là Trung Quốc càng lớn thì càng nguy hiểm».
Photobucket - Video and Image Hosting
Có thể thực tế đã đúng như những nhận định vừa nêu. Nhưng sẽ đích đáng để xem xem Trung Quốc đã thực sự sẵn sàng làm thủ lĩnh, ngay ở mức độ trong khu vực, hay chưa. Trong khi châu Á hiện tại vẫn còn hỗn độn, đa cực về sức mạnh, nó chưa thể tự gò mình vào một thứ tôn ti nào. Trung Quốc đúng là lớn hơn rất nhiều các nước láng giềng về qui mô kinh tế, nhưng với các thước đo khác như công nghệ, GDP/đầu người hoặc sức mạnh của các định chế trong xã hội, Trung Quốc còn xa mới tới được vị trí số 1. Nhà quan sát châu Á Bill Emmott đã viết trong cuốn Rivals (Các đối thủ) mới ra gần đây, rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc đang bị mắc kẹt vào các loại đầu tư hoang phí, các xuất khẩu vốn qui mô lớn (massive capital export), dự trữ ngoại hối kiểu phô trương và nạn ô nhiễm trầm trọng. Chính thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, gần đây đã nói rằng các sai lầm về cấu trúc đang gây ra tình trạng «phát triển bất ổn định, bất cân bằng, bất đồng điệu và bất bền vững».

Mô hình Trung Quốc hiện tại khó có thể giúp Trung Quốc vượt qua được các đối thủ để lãnh đạo châu Á. Nhật Bản hiện tại kém xa Trung Quốc về tham nhũng và được quản lý tốt hơn, và vẫn đang giữ một vị trí vững chắc đứng đầu về công nghệ. Trong khi nền kinh tế Nhật Bản hướng về xuất khẩu đang phải chịu một suy giảm lớn từ suy sụp tài chính toàn cầu, các công ty giàu vốn của Nhật vẫn đang tiếp tục dồn tiền vào Nghiên cứu-Phát triển (R&D) cho đủ loại sản phẩm, từ điện tử cho tới sắt thép. Chính vì thế mà Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới về công nghệ xe hơi «xanh», và Trung Quốc không thể theo kịp. Charles Gassenheimer, Tổng giám đốc của hãng xe hơi-«xanh» Ener1 của Hoa Kỳ, cho rằng tổng đầu tư của Nhật Bản vào việc phát triển loại ắc-qui tối tân nhất đã luôn gấp 10 lần Hoa Kỳ suốt một thập niên qua (từ năm 1998). Trong khi Trung Quốc chỉ mới bước vào cuộc chơi (dù với một tốc độ cao).

Ngay cả Nam Hàn – một nước khó chịu với thân phận bị gọi là «hạng tôm tép giữa đám cá voi» – cũng đã và đang nổi lên như một sức mạnh, đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất, có tính sáng tạo nhất và có công nghệ cao nhất thế giới. Theo Chỉ số Đổi mới Quốc tế (International Innovation Index) gần nhất, Nam Hàn đứng thứ nhì thế giới, còn Trung Quốc thứ 27. Nam Hàn là một ví dụ cho thấy châu Á ngày nay có rất nhiều thủ lĩnh tùy theo lĩnh vực: Trung Quốc xuất chúng trong việc tạo ra các sản phẩm giá thấp, nhưng Nhật Bản và Nam Hàn lại đứng đầu về đổi mới và sản phẩm công nghệ cao.

Do vậy, dưới nhiều phương diện, ý nghĩa trọn vẹn của Số 1 đã trở nên lỗi thời. Một số chuyên gia cho rằng người châu Á vẫn bị đóng chặt vào ý nghĩa đó của Số 1 là do ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử-nhấn mạnh phải tôn trọng hệ thống thứ bậc có tôn ti, trật tự. Nhưng, hãy nhìn cách Singapore đang khai thác giá trị gia tăng của công nghệ thông tin để chiếm một vị thế trên thế giới khác với mức nhỏ bé về lãnh thổ. Hoặc hãy xem cách tác động của hoạt động thương mại thế giới và mạng Internet làm cho Bắc Kinh ngày càng thấy gay go trong việc duy trì trật tự ở trong nước. Rõ ràng thời đại toàn cầu hoá không chấp nhận quan điểm thứ bậc tôn ty của Khổng Tử.

Những chiến lược gia về ngoại giao theo quan điểm duy thực vẫn thích chỉ ra thực tế của khu vực chưa bao giờ thấy cả hai (Trung Quốc và Nhật Bản) cùng mạnh một lúc. Những chuyên gia này lo ngại sự tiến triển đó có thể dẫn đến xung đột và sợ rằng sức mạnh hải quân Trung Quốc, có thể bị các đảo của Nhật Bản vây hãm khi có xung đột, đã được điều đi thăm dò hệ thống phòng vệ của Nhật Bản rồi. Trong khi đó Tokyo đang tăng cường Lực lượng Bảo vệ Bờ biển quanh các đảo có tranh chấp và đưa máy bay tới kiểm soát các dàn khoan dầu của Trung Quốc. Aaron Friedberg, nhà nghiên cứu chính trị tại Princeton, đã so sánh châu Á hiện đại với châu Âu trong thế kỷ 19 khi các nước lớn vẫn còn dùng mánh «diễu võ giương oai» để giành quyền kiểm soát.

Điều này nhấn mạnh vào việc phải xem còn bao xa Trung Quốc mới đạt được vị thế thống trị trong khu vực. Vào thế kỷ 19, không có một dân tộc đơn lẻ nào tại châu Âu có khả năng khống chế cả châu Âu. Tương tự, không có gì chắc chắn cho thấy Trung Quốc có thể thắng Nhật ngay cả trong một cuộc xung đột nhỏ, và khả năng càng ít hơn đối với một xung đột lớn-sẽ làm người đồng minh lớn nhất của Nhật phải tham dự. Hơn nữa: dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có tăng liên tục trên 10% hàng năm thì cũng cần phải ít nhất một thập niên nữa Trung Quốc mới có thể hạ thủy được tàu sân bay đầu tiên – dấu chỉ của hải quân đủ khả năng áp đặt được sức mạnh (trong khi Hoa Kỳ hiện đã có 11 chiếc).

Dĩ nhiên Trung Quốc không tuyên bố bất kỳ khát vọng nào về thống trị quân sự hay bá chủ kinh tế, và cũng có thể Trung Quốc đang cần giữ gìn về lời ăn tiếng nói. Vấn đề quan trọng hiện nay là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có một ràng buộc lớn theo kiểu chủ nợ-con nợ và kẻ mua-người bán. Điều tương tự cũng đang xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ để trở thành bạn hàng số 1 của Nhật Bản vào năm 2007. Một nước Nhật già cỗi đang tận dụng nhân công giá rẻ của Trung Quốc, trong khi các nhà máy tại Đồng bằng Sông Ngọc (đông nam Trung Quốc-ND) thường dùng các máy móc và công nghệ made in Japan. Hợp tác cấp thế giới và vùng đang có ý nghĩa rất lớn cho lợi ích của cả hai quốc gia.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có lý do để các nước láng giềng phải chuẩn bị cho một Trung Quốc hung hãn hơn. Vẫn có các nỗ lực nhằm xây dựng một tổ chức tự vệ khu vực chung, nhưng đang gặp trở ngại do những khác biệt về nguồn lực và ý thức hệ và do cả nỗi e ngại có thể làm Bắc Kinh tức giận. Nhưng vẫn có nhiều cách khác để thúc đẩy một châu Á tiến theo chiều đa cực. Chính quyền Obama dường như đang đi theo hướng này: khi tới thăm châu Á tháng Hai vừa qua, Hillary Clinton đã tới Nhật Bản trước tiên, sau đó là Seoul, nhằm thúc giục hai bên hợp tác với nhau. Sau đó Hillary Clinton tới Indonesia, một chế độ dân chủ lớn và mới hình thành. Chỉ sau đó, Hillary Clinton mới dừng ở Bắc Kinh và kêu gọi Trung Quốc, Nhật Bản hợp tác với nhau trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đó chính là một dạng vấn đề liên quốc gia cần đến sự hợp tác, chứ không cần kiểu «giễu võ, dương oai» – một mánh lới đang trở nên phổ biến, nhưng chỉ là kiểu «múa rìu qua mắt thợ».

Phạm Hồng Sơn dịch
27/05/2009
(Nguồn: Newsweek No 21, May 25, 2009)

© Thông Luận 2009

May 29, 2009 Posted by | Chính trị | Leave a comment

Sửa luật nhưng chỉ thấy sửa câu chữ

Trích VietNam Net

– Luật Di sản Văn hóa sửa đổi lần này chỉ thay mỗi tên “Bộ Văn hóa Thông tin” thành tên Bộ mới. Gọi là “luật sửa đổi” nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề tiếp tục để lại “xin ý kiến”, không giải quyết được những yêu cầu đang đặt ra cho việc bảo tồn di sản văn hóa… Đây là ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tổ chiều nay (28/5) về Luật Di sản văn hóa sửa đổi.

Theo ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, tờ trình đã nêu rõ 2 phần: Những nội dung sửa đổi (7 điều) và những nội dung cần nghiên cứu để sửa tiếp.

Nếu luật sửa đổi nào cũng đặt vấn đề như thế này thì tình hình sẽ thế nào?“, ông Tiến hỏi.

ĐB Tất Thành Cang (TP.HCM) cũng lo âu: “Luật mới chỉ thấy sửa câu chữ, vẫn không thấy yêu cầu với di sản văn hóa“.

Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi. Ảnh: LAD

Quan họ, cải lương không thể sống như pop, rock

Giải thích vì sao Luật sửa đổi lần này tiếp tục bỏ quên di sản văn hóa phi vật thể, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho hay, “văn hóa phi vật thể không dễ nhận biết được như đền, chùa. Luật của nhiều nước cũng không phân loại cụ thể“.

Theo ông Thi, giới nghiên cứu văn hóa và báo chí mấy ngày gần đây chưa hài lòng vì văn hóa phi vật thể chưa được đưa vị trí xứng đáng trong Luật, mà tất cả các điều khoản chỉ được gom vào một chương rất chung chung.

Việc phân loại thế nào là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh… rất khó có tiêu chí như đối với văn hóa vật thể.

Ban soạn thảo trước đó thậm chí không hề đề cập tới chuyện phải phân loại, nhưng sau khi Ủy ban thuyết phục, đã đưa vào một quy định về danh sách những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ủy ban này cho rằng, Luật cần có quy định cụ thể và có hiệu quả hơn về di sản văn hóa phi vật thể, việc di sản văn hóa phi vật thể cũng cần được Nhà nước có hình thức công nhận, làm cơ sở để lập kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị và làm căn cứ để lập hồ sơ trình UNESCO.

ĐB Nguyễn Huy Cận (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: “Nhã nhạc, cồng chiêng đã được thừa nhận, nhưng còn loại hình khác? Theo dự thảo luật, vẫn chưa nhìn thấy hết trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò tôn vinh làm cho văn hóa phi vật thể trở nên sống động“.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ (giữa): Gìn giữ cổ vật không chỉ là trách nhiệm của nhà chùa. Ảnh: LAD

Theo ông Cận, Luật mới chỉ dừng lại ở việc Nhà nước tôn vinh người bảo tồn, lưu truyền là người dân.

Dân ca, quan họ, cải lương không thể sống như pop, rock. Làm sao bán vé bằng show của anh Lam Trường? Nhiều nghệ sĩ muốn trình diễn phải kiếm tiền, rồi có tiền thì tự tổ chức“, ông Cận nói.

Lên đồng, xem bói tại di tích lịch sử

Các đại biểu cũng lo ngại trước tình trạng các di tích văn hóa, đền chùa hiện nay vì mục đích bảo tồn đã được tu bổ, sửa chữa nhưng sửa xong thì như mới, mất hết các yếu tố gốc.

TIN LIÊN QUAN

Hòa thượng Thích Thanh Tứ dẫn chứng có những ngôi chùa gỗ sau khi tu bổ xong đã được “thay mới hoàn toàn bằng gạch“.

Về điểm này, bà Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) giải thích ngoài nguyên nhân tự ý sửa mà không được phép của chính quyền, còn có lý do người sửa chữa thiếu hiểu biết, không có nghiệp vụ và kiến thức.

Trong khi bảo tồn và trùng tu di tích là lĩnh vực đòi hỏi chuyên ngành sâu thì đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có được một cơ sở đào tạo riêng, bài bản.

Ngay chuyện phân cấp xem ai có quyền tu bổ, sửa chữa cũng còn chưa thỏa đáng. Đại biểu Dao Nhiễu Linh (TP.HCM) kể lại, thành phố có một di tích của Hội quán người Hoa được công nhận là di tích quốc gia, bị mối mọt đã lâu nhưng mỗi lần làm thủ tục xin phép lên Bộ trưởng phải chờ rất lâu.

Trong khi đó, mối mọt vẫn tấn công hàng ngày, hỏng hóc, xập xệ. Vậy là đành tự khắc phục tại chỗ, trong khi vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ trưởng.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quãng Ngãi) chỉ ra một hiện tượng khác là di tích lịch sử bị lợi dụng với nhiều mục đích khác nhau như lên đồng, xem bói. Có nơi còn để cả hòm công đức la liệt khắp nơi. Những điều này đi ngược lại thuần phong mỹ tục, cần xem lại đâu là tín ngưỡng chính đáng.

Nhiều vấn đề khác cũng được đặt ra như có nên thu phí khách tham quan các bảo tàng lịch sử, chuyện người dân đã sống lâu đời ở các khu thành cổ…

Rất nhiều tổ đại biểu chiều nay đã tan họp khá sớm, chưa tận dụng hết thời gian để góp ý cho một dự thảo luật có tính chuyên ngành cao như Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Nhiều vấn đề quan trọng chưa được các đại biểu “để mắt” tới như định nghĩa thế nào về yếu tố gốc của một di tích, phải khoanh vùng bảo vệ di tích như thế nào, không thể “đánh đồng” di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh…

  • Lê Nhung – Xuân Linh

May 29, 2009 Posted by | Chính trị | Leave a comment

Ông Khoa Học ở đây, còn ông Dân Chủ ở phương nao?

Trích DCV Online

Nguyên HânTổng hợp

Mới hôm đầu tháng Năm, Trung Quốc tổ chức rầm rộ buổi kỷ niệm lần thứ 90 ngày Phong trào Bốn tháng Năm ra đời. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đọc diễn văn kêu gọi sinh viên Trung Quốc hãy dương cao “ngọn cờ yêu nước đầy vinh quang” đã từng dấy lên và thúc đẩy phong trào Bốn tháng Năm năm xưa.

Ngày lễ Bốn tháng Năm đánh dấu một trang sử quan trọng của một Trung Quốc hiện đại. Ngày Bốn tháng Năm năm 1919, sinh viên và thành phần trí thức Trung Quốc đã biểu tình rầm rộ, đòi hỏi một sự thay đổi. Họ hướng về phương Tây và muốn đoạn tuyệt với đạo Khổng mà họ cho rằng đã làm cho Trung Quốc đi thụt lùi. Những người biểu tình xác định rằng Trung Quốc cần có “Ông Khoa học và Ông Dân chủ”, và họ cho rằng đây là hai yếu tố chủ đạo để xây dựng Trung Quốc thành một nước văn minh và hiện đại (1).

Đằng sau phong trào này là lòng yêu nước. Nó khởi đầu ngay từ khi người dân khám phá rằng chính phủ trung ương đã ngầm thỏa thuận 21 yêu sách của Nhật Bản để chuyển nhượng địa tô của Đức nằm ở tỉnh Shandong cho Nhật Bản sau khi Đức bại trận trong Đệ nhất Thế chiến.

Những cuộc biểu tình lớn lao xảy ra sau đó đã bắt chính quyền trung ương phải rút lại những thỏa thuận nhượng bộ Nhật Bản trước đó.

Nhưng điều làm cho những cuộc biểu tình ngày Bốn tháng Năm năm 1919 khác với những cuộc biểu tình khác ở chổ, nó không những chỉ là sự kêu gọi và bày tỏ lòng yêu nước, nhưng còn đòi hỏi hai điều then chốt là sự tiến bộ trong lãnh vực khoa học và nền dân chủ cho đất nước. Đó là lý do sử gia đã gọi thời kỳ này là thời kỳ Trung Quốc Phục hưng, tương tự như châu Âu hồi thế kỷ thứ 17.

Kể từ đó, dân chủ là ước mơ cho người dân Trung Quốc.

Quân đội Nhân dân bắt đầu trấn áp sinh viên ở Thiên An Môn tháng Sáu năm 1989. Nguồn: cnd.org


Chính ước mơ này đã là động lực chính cho ra đời đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ). Một nhà lãnh đạo then chốt trong phong trào Bốn tháng Năm này là giáo sư Chen Duxiu ở đại học Bắc Kinh. Là một tín đồ của chủ nghĩa Mác, ông đã thành lập đảng CSTQ hai năm sau đó.

Đảng CS ra lò còn mới toanh đã dựa vào chiêu bài dân chủ này để đánh bại đảng Quốc dân đang cầm quyền.

Một tình tiết biểu trưng cho chuyện này là năm 1945, lãnh đạo đảng CSTQ Mao Trạch Đông đã có một cuộc đối thoại với một nhân vật hoạt động chính trị nổi tiếng Huang Yan-pei về việc làm thế nào để đảng CSTQ có thể tránh được những vết xe sai lầm trong lịch sử mà đã làm cho chế độ quân chủ ở Trung Quốc liên tục thăng trầm.

Ông Mao trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi đã tìm thấy một con đường mới, đó là dân chủ.” Khi cuộc đối thoại này được lan truyền từ trụ sở đảng nằm ở vùng tây bắc xa xôi của Trung Quốc đến khắp ngang cùng ngõ hẽm của Trung Quốc, quần chúng đáp ứng với một sự hậu thuẩn nồng nhiệt dành cho đảng CSTQ.

Phóng viên thời chiến tranh của hãng thông tấn Reuters ông Doon Campbell lúc đó có hỏi ông Mao Trạch Đông nói thêm cho biết ông ngụ ý gì khi nói đến dân chủ, và tự do. Về mặt dân chủ, ông Mao Trạch Đông trích dẫn một đoạn trong bài diễn văn nổi tiếng ở Gettysburg của tổng thống Hoa Kỳ ông Abraham Lincoln là xây dựng một nhà nước “của dân, do dân và vì dân.” Về mặt tự do, ông Mao Trạch Đông “mượn đỡ” một câu nói của tổng thống Hoa Kỳ Franklin Rosevelt: đó là “tự do tư tưởng và tôn giáo, và giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi.”

Câu trả lời thẳng thắn và đi thẳng vào vấn đề đã chinh phục hằng triệu con tim người Trung Quốc yêu chuộng tự do và dọn đường cho đảng CSTQ đi đến thắng lợi cuối cùng, nắm quyền lực.

Nhưng một khi đã nắm được quyền lực trong tay, đảng ngoảnh mặt làm ngơ với nền dân chủ đảng đã hứa. Thay vào đó, đảng CSTQ ra sức thiết lập một chế độ độc tài toàn trị. Hiến pháp Trung Quốc năm 1954 gọi nền độc tài này là “nền độc tài dân chủ nhân dân” và cho đến năm 1963, nó được tu chính lại là “nền chuyên chính vô sản.”

Theo nhà báo Ching Cheong, sự thay lòng đổi dạ này đã kéo cả nước Trung Quốc vào những thảm họa khôn lường. Giữa năm 1949 cho đến năm 1976, ước chừng có khoảng 30 đến 50 triệu người chết “bất đắc kỳ tử”, theo con số lượng gía bởi những học gỉa Trung Quốc và phương Tây. Tối thiểu, có khoảng 100 triệu người bị hành hạ và bị vi phạm nhân quyền qua vô số lần đảng cộng sản TQ thanh trừng lẫn nhau (2).

Nhưng, người dân Trung Quốc vẫn chưa bỏ cuộc ước mơ dân chủ của họ. Tháng Tư năm 1976, họ lại có một phong trào đòi hỏi dân chủ, nhưng bị đè bẹp ngay trong trứng nước. Thế nhưng phong trào này lại nổi lên năm 1979 khi có phong trào dân chủ báo tường. Ông Wei Jingsheng, một nhân vật được nhiều người biết đến dạo đó đã đứng ra kêu gọi “cuộc hiện đại hóa thứ năm”.

Ông cho rằng bốn hiện đại hóa được đảng CSTQ đề ra – hiện đại hóa Nông nghiệp, Kỹ nghệ, Quốc phòng và Kỹ thuật – sẽ không mang đến một Trung Quốc thực sự hiện đại nếu không có cái “hiện đại thứ năm”. Và đó chính là một nền chính trị dân chủ. Ông Wei trả gía cho niềm tin của ông qua 15 năm nhìn lá rụng từ song tù.

Cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị… Nguồn: kaltoons.com


Yêu cầu đòi hỏi dân chủ im lặng cho khoảng chừng một thập niên sau đó, rồi lại bùng nỗ lên ở một mức độ lớn hơn nhiều qua biến cố ngày Bốn tháng Tư ở Thiên An Môn năm 1989, khi sinh viên từ các trường đại học Bắc Kinh, đại học Qinghua, đại học Luật và Khoa học Chính trị cùng sinh viên từ các trước đại học khác cùng tiến về Quảng trường Thiên An Môn với biểu ngữ trong tay và chia sẻ cùng ước mơ cho một nền dân chủ đến với đất nước mình.

Đảng CSTQ đã sử dụng quân đội thẳng tay đàn áp những người biểu tình đòi hỏi dân chủ và làm nín khe quần chúng của mình trong gần hai mươi năm qua. Nhưng mới năm rồi, khát vọng cho một nền dân chủ lại bùng nỗ qua chiến dịch thu thập chữ ký ủng hộ cho Hiến Chương Linh Tám (Charter 2008), kêu gọi cho một nền dân chủ, sự tự do, sự tôn trọng nhân quyền và một hệ thống pháp quyền.

Không thể phủ nhận đã có những thành tựu nhất định kể từ ngày Bốn tháng Năm cho đến ngày Bốn tháng Sáu. Theo nhà báo Chinh Cheong, khoảng thời gian 90 năm sau này từ 1919 cho đến 2009 có thể chia làm ba giai đoạn.

Ba mươi năm đầu (1919-1949) là giai đoạn Trung Quốc đang mò mẫm tìm một lối đi. Đảng CSTQ đã bắt mạch quần chúng một cách thành công và hiểu được điều người dân mong mỏi – là một nước Trung Quốc độc lập và hùng mạnh không còn bị thống trị bởi ngoại bang – và đảng CSTQ đã mang được điều này đến cho họ. Chính cái kỳ công này đã cho đảng CSTQ một sự ủy nhiệm không thể chối cãi được từ chính người dân của họ.

Ba mươi năm kế tiếp từ 1949-1979 cho thấy Trung Quốc trải qua một thời kỳ cực kỳ khó khăn, và những năm cuối của thời kỳ này đảng CSTQ hầu như “bị phá sản”. Đảng CSTQ có nguy cơ mất hết tín nhiệm của người dân và buộc lòng đảng phải xét lại chính sách của mình.

Ba mươi năm cuối từ 1979-2009 cho thấy Trung Quốc chuyển mình vươn lên đến mức không còn nhận ra được nữa, nhờ chính sách cải cách và mở rộng cửa ra thế giới bên ngoài.

Trong suốt ba mươi năm cuối, Trung Quốc đã thay đổi diện mạo của mình hoàn toàn. Người dân giờ đây sung sướng với đời sống sung túc và những tự do cá nhân họ chưa từng có trước đây, và Trung Quốc tự cho mình là một trong những nước giàu có nhất trên thế giới – mà Trung Quốc đã từng là như thế trong qúa khứ cho đến giữa thế kỷ thứ 19.

Những thành công này cho thấy những ý tưởng cách mạng từ phong trào Bốn tháng Năm năm 1919 – về Khoa học và Dân chủ – giờ đây chỉ đạt được nữa vời. Nếu cuộc thám hiểm không gian năm rồi của Trung Quốc là niềm biểu tượng cho Ông Khoa Học đã đến với Trung Quốc, thì Hiến Chương Linh Tám chứng minh cho thấy Ông Dân Chủ vẫn còn nằm xa tít tắp ngoài tầm mắt. Theo nhận định của nhà báo Ching Cheong, nó sẽ là cuộc thử thách sinh tử cho đảng CSTQ và người dân của mình trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, trong bài phản biện của mình dành cho bài này, tiến sĩ Tam Chen Hee đặt vấn đề có thật “Ông Khoa Học đã đến với Trung Quốc” như nhà báo Ching Cheong nhận xét. Ông Tam Chen Hee cho rằng Trung Quốc đã có được những thành tựu trong lãnh vực khoa học, và họ đã có những trang thiết bị tối tân trong tay, nhưng cái cốt lõi là tinh thần khoa học thì còn khuya Trung Quốc mới đạt được. Đó là cái tinh thần biết tôn trọng sự thật, không gian dối và tính ngay thẳng để đối diện với những thực tế trải nghiệm khác biệt nhau. Cái tinh thần khoa học nếu được hiểu như thế, thì “chắc chắn là Ông Khoa Học chưa đến với Trung Quốc” như nhà báo Ching Cheong khẳng định.

Đã chín mươi năm kể từ ngày Bốn tháng Năm năm 1919, hai điều mà sinh viên và trí thức biểu tình đòi hỏi cho Trung Quốc đến nay vẫn là một giấc mơ chưa thành tựu. Như thế, Việt Nam Cộng sản sẽ đạt được gì nếu cứ tiếp tục lần theo lối mòn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi từ 90 năm trước?

© DCVOnline

May 28, 2009 Posted by | Chính trị | 1 Comment

Những dự án sân golf và mục tiêu phía sau

Trích ViệtNam Net

Rất nhiều dự án tại Việt Nam hiện nay mang tiếng làm “sân golf” để được cấp bạt ngàn đất đai nhưng thực tế đang “che chắn” cho những mục tiêu sinh lợi khác. Đa số dự án này đều kết hợp giữa golf và bất động sản, trong đó tổng diện tích thực dành cho sân golf tại các dự án đó chỉ chiếm khoảng 1/3 diện tích dành xây khách sạn, biệt thự, nhà hàng…

Xin xây nhà để bán trên đất sân golf Vân Trì
Xin xây nhà để bán trên đất sân golf Vân Trì (VietNamNet) – Một nhà đầu tư nước ngoài – Công ty Noble Assets Pte.Ltd (Singapore) những ngày này vẫn đang tiếp tục xin “bổ sung dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê trên diện tích đất sân golf Vân Trì đã được cấp phép”…
Biến bãi rác thành sân golf càng nhanh càng tốt?
Biến bãi rác thành sân golf càng nhanh càng tốt? VietNamNet) – Xã hội hóa trong việc cải thiện môi trường là một việc nên làm. Tuy nhiên, xã hội hóa không có nghĩa là giảm vai trò quản lý của nhà nước.
Tại sao không bắt sân golf phải “phục tùng” cộng đồng?
Tại sao không bắt sân golf phải "phục tùng" cộng đồng? (VietNamNet) – Nếu thực sự tỉnh, thành nào cũng phải có sân golf – sao không lật ngược vấn đề, lợi dụng chính các dự án golf làm “lá phổi xanh” cho cộng đồng, đặt chúng vào vị trí những vành đai xanh, hành lang xanh bao bọc đô thị?
Dự án sân golf chiếm ruộng lúa là có “ngầm ý” khác?
Dự án sân golf chiếm ruộng lúa là có "ngầm ý" khác? (VietNamNet) – “Có sự hiểu lầm trong qui hoạch: Môn thể thao golf đích thực đòi hỏi địa hình càng phức tạp, lồi lõm thì càng nhiều thú vị và thách thức. Cớ gì cứ chọn những cánh đồng lúa phẳng lì để xây dựng sân golf?”…
Hà Nội sắp thêm sân golf tại nơi “chi chít” sân golf?
Hà Nội sắp thêm sân golf tại nơi "chi chít" sân golf? (VietNamNet) – UBND TP.HN vừa giao Sở Tài nguyên-Môi trường đền bù giải phóng 1.583.431m2 đất khu du lịch hồ Suối Hai (Ba Vì) để thực hiện giai đoạn 1 của dự án từng được chủ đầu tư giới thiệu “đủ món”: sân golf, biệt thự, khách sạn…
Thất nghiệp, đói nghèo vì “nhường đất” làm sân golf
Thất nghiệp, đói nghèo vì "nhường đất" làm sân golf (VietNamNet) – Thất nghiệp, đói nghèo… là tình cảnh không hiếm gặp tại gia đình nông dân mất đất làm sân golf tại xã Phước Tân. Phía sau sự hào nhoáng của “siêu dự án” này là những mảnh đời cùng cực.
Sân golf “chết yểu” nhường đất cho biệt thự, nhà vườn?
Sân golf "chết yểu" nhường đất cho biệt thự, nhà vườn? (VietNamNet) – Một nghịch lý là tại đô thị lớn nhất nước, nơi có hàng trăm ha đất sân golf bị bỏ hoang thì hạ tầng đô thị (đường, công viên, nhà ở…) lại thiếu đất nghiêm trọng.
Qui hoạch sân golf: “thảm họa” của “siêu” dự án trên giấy!
Qui hoạch sân golf: "thảm họa" của "siêu" dự án trên giấy! (VietNamNet) – Nhiều dự án sân golf ở TP.HCM đang là những “siêu” dự án trên… giấy! Bên cạnh việc lãng phí tài nguyên đất, kiểu quy hoạch “treo” này cũng khiến đời sống hàng nghìn hộ dân điêu đứng.
“Méo mặt” vì đầu tư sân golf
"Méo mặt" vì đầu tư sân golf Sài Gòn đã cấp phép 7 sân golf song 6 vẫn nằm trên giấy. Sân duy nhất đã đi vào hoạt động thì thua lỗ triền miên. Thậm chí dự án Vườn Dừa đã được mang lên mạng rao bán.
Sẽ có sân golf ngay giữa trung tâm Hà Nội mở rộng
Sẽ có sân golf ngay giữa trung tâm Hà Nội mở rộng (VietNamNet) – UBND TP Hà Nội giữ nguyên quyết định bố trí một sân golf 9 lỗ rộng hàng ngàn mét vuông sát gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia – khu vực sẽ là trung tâm sầm uất, cao cấp của Thủ đô Hà Nội mở rộng…
Sân golf và bài toán yên dân
Sân golf và bài toán yên dân (TuanVietNam)- Khi lấy yên dân làm mục tiêu thì ta sẽ lựa chọn được những yếu tố thích hợp cho sự phát triển. Dự án làm phương hại đời sống của dân, không kéo dân vào việc phát triển và hưởng thụ nó là không thích hợp.
Lấy đất làm sân golf, nông dân làm gì để sống?
Lấy đất làm sân golf, nông dân làm gì để sống? (VietNamNet) – “Người dân đang rất cần đất nông nghiệp để sản xuất. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều công nhân mất việc làm, nhiều người trong số họ đã quay trở lại với ruộng đồng. Dự án sân golf lấy đất của họ, họ làm gì để sống?”.
Hà Nội tiếp tục duyệt thêm sân golf!
Hà Nội tiếp tục duyệt thêm sân golf! (VietNamNet) – Sát Tết, UBND TP.HN vừa phê duyệt nhiệm vụ qui hoạch chi tiết xây dựng sân golf Sóc Sơn kết hợp các công trình phụ trợ, khu biệt thự (tỉ lệ 1/500) qui mô khoảng 125-130ha tại các xã Hồng Kỳ và Phù Linh của huyện này…
Thu hồi 12 dự án sân golf ở Long An
Thu hồi 12 dự án sân golf ở Long An Tỉnh Long An đã thu hồi 12 dự án sân golf ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa và Bến Lức với tổng diện tích gần 1.000 ha để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Sân golf: Tiết kiệm đất đai và đạo đức công vụ?
Sân golf: Tiết kiệm đất đai và đạo đức công vụ? Sự nở rộ các sân golf thể hiện sự yếu kém của quản lý Nhà nước trên 2 mặt: công tác quy hoạch, chính sách tiết kiệm đất đai, và đạo đức công vụ.
Những phản ứng về sân golf và “vấn đề tế nhị” FDI
Những phản ứng về sân golf và "vấn đề tế nhị" FDI Nhà nghiên cứu kinh tế Nguyễn Trần Bạt phân tích về những phản ứng xung quanh các dự án golf và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Sân golf: Không phải nước ngoài quản được là VN quản được
Sân golf: Không phải nước ngoài quản được là VN quản được Không thể lấy nước khác có nhiều sân golf mà bao biện cho việc VN cần xây nhiều. Trình độ quản lý của VN thua xa các nước. Không phải nước ngoài quản được là VN quản được – Ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
“Đường mòn Golf HCM làm phương hại lúa gạo của VN”
“Đường mòn Golf HCM làm phương hại lúa gạo của VN” Báo Financial Times/Bloomberg 12/9 đăng tít lớn “Đường mòn Golf Hồ Chí Minh làm phương hại lúa gạo của Việt Nam”. Tuần Việt Nam xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Bộ KH-ĐT kiến nghị không cấp mới dự án sân golf
Bộ KH-ĐT kiến nghị không cấp mới dự án sân golf Bộ kế hoạch và Đầu Tư có công văn số 5284/BKH-ĐTNN, ngày 21/7/2008 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf.
Hiệp sĩ golf “bị ruồng bỏ”
Hiệp sĩ golf "bị ruồng bỏ" Một “chiến binh golf” đã có thâm niên 15 năm cầm gậy phản hồi về những tranh luận xung quanh chủ để thực hiện các dự án sân golf ở Việt Nam.

Câu chuyện sân golf và văn hóa phản biện
Câu chuyện sân golf và văn hóa phản biện Sống trong thời đại internet này phải dè chừng hơn với những gì mình viết ra. Nếu lộng ngôn, bạn sẽ bị trừng trị ngay lập tức bằng hàng ngàn phản hồi ném đá giấu tay.
Sân golf – trăm chiều nỗi lo dư luận
Sân golf - trăm chiều nỗi lo dư luận Cuộc tranh luận sôi nổi về các dự án xây dựng sân golf tại Việt Nam đã bộc lộ những quan điểm trái chiều của dư luận xung quanh vấn đề này.
Ai bảo vệ golf xin trả lời!
Ai bảo vệ golf xin trả lời! “Ai đó bảo vệ golf xin trả lời đi: Nơi nào có sân golf mà bà con mất ruộng vì golf có cuộc sống khá lên vui vẻ, hân hoan hạnh phúc, kêu mời sân golf tới?”
Tổng thư kí Hiệp hội Golf Việt Nam phản hồi
Tổng thư kí Hiệp hội Golf Việt Nam phản hồi Tuần Việt Nam xin đăng tải nguyên văn phản hồi của Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam về “Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hội Golf Việt Nam” của nhà văn Hoàng Quốc Hải – đang được dư luận rất quan tâm gần đây.
Quan điểm trái chiều về sân golf
Quan điểm trái chiều về sân golf Sau khi có “Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hội Golf Việt Nam”, Tuần Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Để đảm bảo tính thông tin đa chiều, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn một ý kiến có quan điểm trái chiều.
Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hội Golf Việt Nam
Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hội Golf Việt Nam Hãy bố cáo cho toàn thể quốc dân đồng bào được biết, tổng số các sân golf của quý ông sau khi đã giãn dân lấy đất thời các ông đã giải quyết được bao nhiêu việc làm cho cả triệu người bị mất đất này.
Thực hiện ngay việc rà soát đối với đầu tư sân golf
Thực hiện ngay việc rà soát đối với đầu tư sân golf Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, xét các Báo cáo của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kết quả rà soát các dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf.
“Kinh tế kém, bớt chơi golf”
"Kinh tế kém, bớt chơi golf" Đó là kêu gọi của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đối với các quan chức nước này, trước tình hình nền kinh tế của “xứ sở kim chi” đang gặp khó khăn.
“Chúa tể” của những… lỗ golf
“Chúa tể” của những… lỗ golf Trường hợp “bách chiến bách thắng” nơi sân golf của Tiger Wood đủ để chứng minh: đứng số một trong một lĩnh vực nào đó, dù là nhỏ cũng đủ để nắm giữ vị trí nổi tiếng, giàu có và quyền lực hàng đầu thế giới.
Sân golf “xuống” ruộng, nông dân mang án nghèo!
Sân golf "xuống" ruộng, nông dân mang án nghèo! (VietNamNet) – Trong kỳ họp HĐND tỉnh TT-Huế, một vị đại biểu đã nói: “Xây sân golf ở Thuỷ Dương, 360 hộ nông dân đã bị tỉnh kết án nghèo”. Nông dân không còn đất sản xuất, đó là thực trạng tại nhiều địa phương.
Tổng Bí thư yêu cầu không “đưa” sân golf xuống đồng lúa
Tổng Bí thư yêu cầu không "đưa" sân golf xuống đồng lúa “Trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới, tỉnh phải đặt người nông dân ở vị trí trung tâm”, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.
Riêng Hà Nội mới đang có 18 dự án sân golf!
Riêng Hà Nội mới đang có 18 dự án sân golf! (VietNamNet) – 8 dự án sân golf đã hoàn chỉnh và đang triển khai của HN cộng 10 dự án sân golf tại Hà Tây (1 hoàn tất, 2 đang xây, 7 đang nghiên cứu) khiến Thủ đô “mới” được sở hữu tổng cộng 18 sân golf thời điểm này…
Rà soát lại 13 dự án sân golf tại TP.HCM
Rà soát lại 13 dự án sân golf tại TP.HCM Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành thành phố rà soát lại việc quy hoạch sân golf đối với tất cả các sân golf đang hoạt động, đang xây dựng…
Long An: Nông dân “bỏ cày” đi… đánh golf
Long An: Nông dân "bỏ cày" đi... đánh golf (VietNamNet) – Một xã nghèo vùng sâu chỉ có một cái sân bóng bé tí nhưng lại có đến 5 dự án sân golf. Chuyện thường ngày của nông dân Long An không xoay quanh mùa vụ mà chỉ là chuyện về các sân golf sắp nhan nhản mọc lên.
Sân golf quý tộc phục vụ ai?
Sân golf quý tộc phục vụ ai? Nhiều bạn đọc đưa ra các phân tích để thấy sự “lạc hậu” của sân golf trong bối cảnh hiện nay.
Vì sao phải mặn mà với dự án sân golf?
Vì sao phải mặn mà với dự án sân golf? Trong khi nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực “chống” xây mới sân golf, thì hình như các dự án xây dựng sân golf đang được rất mặn mà ở Việt Nam.
“Chơi golf” trong quản lý
"Chơi golf" trong quản lý Để đưa trái bóng đi chính xác vào lỗ golf, bạn phải tập trung hướng tới mục tiêu, dù bạn không thấy được mục tiêu thật sự. Gary Hamel đã áp dụng nghệ thuật chơi golf vào khai thác năng lực của nhân viên.

May 27, 2009 Posted by | Chính trị | Leave a comment

Từ buổi chiều trên nghĩa địa Hàng Dương

Trần Trung Đạo

Trích Người Việt Boston

Một ngày hè như thế này 29 năm trước, người anh cùng sở làm và cũng cùng quê Đà Nẵng ghé qua hỏi tôi có thích đi Côn Đảo một chuyến với anh. Không giống như khi được các anh chị khác rủ đi thăm miền bắc trong những lần họ nghỉ phép về thăm nhà mà tôi đã từ chối trước đây, Côn Đảo có một hấp lực cực mạnh khiến tôi gật đầu không chút gì ngần ngại. Chiếc ghe vượt biên anh đóng sắp hoàn tất và đã hứa dành cho tôi một chỗ. Nghĩ đến việc ra đi không hẹn ngày trở lại, thăm Côn Đảo là dịp hiếm hoi không thể bỏ qua. Côn Đảo là đất lịch sử của cách mạng Việt Nam, điểm hẹn của những tâm hồn yêu nước và cũng là nơi nhà cách mạng Phan Chu Trinh từng tả “Bốn mặt dày vò oai sóng gió / Một mình che chở tội non sông” trong bài thơ “Đập đá Côn Lôn” nổi tiếng của ông. Người anh cùng sở làm lo hết các phương tiện cần thiết, và như thế chúng tôi đi. Anh có vài việc phải đi, còn tôi chỉ đi theo cho biết chứ không làm gì cả.

Khi anh làm xong việc, thời gian còn lại anh em chúng tôi đi vài nơi trên đảo. Côn Đảo ngày chúng tôi đến còn rất hoang vắng. Những khu tù chính trị đã giải tán từ lâu. Tù chính trị mới không bị đưa ra đây mà vào Chí Hòa, Phan Đăng Lưu hay các trại tù miền Bắc. Các khu trại giam Côn Đảo đã trở thành một viện bảo tàng nhưng ít có người thăm. Bên cạnh những xà lim nơi các đảng viên Cộng sản cấp trung ương từng bị giam giữ, Côn Đảo còn có những khu nổi tiếng vì được báo chí phản chiến Mỹ và Việt khai thác tận tình như chuồng cọp, chuồng bò. Khu chuồng cọp được xây từ thời thực dân, cũ kỹ, kích thước rộng bằng những lớp học nối tiếp nhau. Đặc điểm của khu chuồng cọp là phòng giam không có mái che mà chỉ có những bờ tường dày và thanh sắt lớn. Chị coi sóc ở đây, vốn là một tù nhân Côn Đảo, cho biết trên bờ tường dựng sẵn nhiều thùng vôi bột, nếu tù nhân la ó, phản đối, trật tự tù sẽ đổ vôi xuống.

Trên đường ra về chúng tôi đi theo chị coi sóc nhà tù đến nghĩa địa Hàng Dương. Nắng đã dịu nhiều. Mặt trời đang xuống dần bên kia đỉnh núi. Được gọi là Hàng Dương có lẽ vì chung quanh nghĩa địa có rất nhiều dương liễu. Nghĩa địa có nhiều khu. Mỗi khu có vài trăm ngôi mộ. Chị trịnh trọng giới thiệu một ngôi mộ mà chị gọi là rất linh thiêng: mộ chị Võ Thị Sáu. Tôi không biết gì nhiều về chị Sáu ngoài bản nhạc bắt đầu với “Mùa lêkima nở, ở quê tôi miền đất đỏ” và đọc đâu đó chuyện chị bị xử bắn khi còn trong tuổi vị thành niên. Tấm bia trên mộ chị Sáu hướng về phía biển và nỗi bật lên vì ngày đó đã được xây cao hơn các ngôi mộ khác. Phía sau mộ chị Sáu có một cây dương liễu cụt ngọn, cằn cỗi, trên tàn cây có những chồi xanh nhú lên. Việc một cây bị chặt ngọn nên sinh ra những nhánh non là chuyện bình thường nhưng qua lời giải thích của chị hướng dẫn thì đó là một điều kỳ diệu, một dấu chứng linh thiêng, điềm báo của một cái cũ tàn đi nhưng những cái mới ra đời. Ngay cả một cây dương liễu cũng được giải thích bằng lý luận và niềm tin Cộng Sản.

Anh tôi không thích cảnh nghĩa trang buồn tẻ nên đã đi dạo nơi khác. Cả chị hướng dẫn cũng đi ra ngoài. Tôi ngồi một mình nhìn mấy trăm ngôi mộ, có tên và không tên, được đắp và không được đắp, cao thấp không đều. Bên cạnh một số mộ có bia, tên tuổi và vừa được chỉnh trang, hẳn là của các đảng viên Cộng sản cao cấp, rất nhiều ngôi mộ không có ngay cả tấm thẻ gỗ ghi tên, cỏ mọc đầy sau nhiều năm chưa được một lần chăm sóc. Phần lớn các ngôi mộ trong nghĩa địa Hàng Dương là dấu tích tàn ác của thực dân Pháp. Thời Việt Nam Cộng hòa, chuyện ở tù Côn Đảo cho đến chết là chuyện hiếm hoi. Hầu hết tù chính trị chỉ ở một thời gian ngắn trước khi được đưa ra Thạch Hản, Thiện Ngôn, Lộc Ninh, Bồng Sơn để trao trả về phía bên kia như đã ghi lại một cách chi tiết trong tác phẩm ký sự Tù binh và hòa bình của nhà văn Phan Nhật Nam.

Hôm qua, khi bắt đầu viết bài này tôi vào Google tìm mộ chị Võ Thị Sáu. Cây dương liễu đã chết và được thay vào đó bằng cây phượng đỏ. Ngôi mộ của chị cũng được xây bằng đá đen, cao hơn ngôi mộ cũ nhiều và không phải sơn màu vôi trắng như lần tôi đến. Nghĩa địa Hàng Dương bây giờ là một trung tâm du lịch, màu sắc lòe loẹt, không còn những mộ cỏ hoang vu, những con đường đất hẹp và những hàng dương cằn cỗi chung quanh. Tôi không cảm thấy chút nào xúc động khi nhìn lại cảnh nghĩa địa Hàng Dương mà chỉ tội nghiệp cho các em học sinh đang sắp hàng vào xem các di tích được gọi là cách mạng ở Côn Đảo. Các em đi xem kịch mà tưởng mình đang tìm về lịch sử cha ông.

Một trong những đặc điểm của chế độ Cộng sản là lừa dối. Không phải chỉ Việt Nam mà mọi quốc gia Cộng sản đều như thế. Khi chế độ Cộng sản Đông Đức sụp đổ, báo chí khám phá trong cơ sở dữ liệu của cơ quan an ninh Stasi một hệ thống lừa dối có tầm vóc quy mô ngoài giới hạn đạo đức của con người. Việc nghi kỵ, lừa dối không chỉ ở nằm trong hệ thống đảng, các cơ quan nhà nước, mà cả trong mỗi gia đình ruột thịt, máu mủ thân yêu. Anh lừa dối em. Vợ lừa dối chồng. Cha mẹ lừa dối con cái. Cháu chắt lừa dối ông bà. Lừa dối là phương tiện duy nhất để tồn tại trong xã hội Cộng Sản.

Tại Việt Nam cũng thế. Vở kịch tuyên truyền mà Đảng đã đóng suốt mấy chục năm qua làm thui chột nhận thức của nhiều thế hệ Việt Nam. Từ chuyện Lê Văn Tám lấy thân mình làm đuốc đến chuyện Tôn Đức Thắng kéo cờ Cộng sản trên Hắc Hải đều là những chuyện hoang đường nhưng nghe riết cũng quen tai, nghe riết nên tin là chuyện thật.

Có một thời không ít người dân miền bắc còn tin rằng những khẩu CKC, AK47 của mấy chị dân quân đã từng bắn hạ những F-4 Fantom, F-111 của Mỹ. Theo lời kể của cựu Trung Tướng Yevgeni Antonov, nguyên trưởng đoàn cố vấn quân sự của Liên Xô tại Việt Nam trong một bài báo trên tờ Pravda nhân dịp đánh dấu 30 năm cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, Liên Xô đã gởi nguyên một trung đoàn phòng không với đầy đủ vũ khí và trang bị sang Việt Nam tham chiến và 13 người lính phòng không Liên Xô đã chết trên đất bắc. Những chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, kể cả chiếc chiến đấu cơ F4 Fantom của Thượng Nghị Sĩ John McCain, cũng từ hỏa tiễn của các đơn vị Hồng quân Liên Xô chứ không phải từ “Bộ đội phòng không anh hùng”, nói chi là các chị dân quân núp bên bờ ruộng như trong mấy bức ảnh tuyên truyền của đảng.

Cũng theo lời kể của cựu thiếu tướng Liên Xô Yevgeni Antonov, chỉ huy lực lượng phòng không Liên Xô tại Việt Nam từ 1969 đến 1970, Việt Nam chỉ là một phòng thí nghiệm cho vũ khí Liên Xô. Họ muốn đích thân xử dụng vũ khí để chuẩn bị cho việc máy bay Mỹ và NATO oanh tạc vào nội địa Liên Xô trong trường hợp có chiến tranh giữa hai khối sau này. Cuộc chiến đã tàn, chế độ cũng đã tan, ngọn đèn đời sắp tắt, những người lính già Nga chẳng bị áp lực nào để phải nói dối, để tuyên truyền, để bảo vệ cho đảng, hay cho cả chính mình. Họ chỉ còn kỷ niệm, và kỷ niệm của tuổi về chiều thường thành thật, trong sáng như những ngày mới lớn.

Bên cạnh Liên-Xô, vào thời điểm 1967 ngoài hàng vạn tấn đạn dược, vũ khí, đã có 16 sư đoàn với 170 ngàn quân Trung Quốc tại miền Bắc Việt Nam để yểm trợ cho đảng Cộng sản Việt Nam nhưng đồng thời để bảo vệ vòng đai an ninh của Trung Quốc. Tội ác của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với dân tộc Việt Nam, từ các tư tưởng độc hại đến võ khí giết người, từ cải cách ruộng đất đến đến Hoàng Sa, Trường Sa, từ chiến tranh biên giới đến trận chiến Lão Sơn, không thể viết hết trong một bài, trong một cuốn sách mà phải xây dựng một trung tâm dữ kiện.

Máu đổ, thây rơi, nhà tan, cửa nát ở Hà Nội, Hải Phòng là điều có thật. Những mất mát đau thương vô cùng to lớn của đồng bào miền Bắc đã chịu đựng dưới đạn bom Mỹ là điều có thật. Căm thù, phẫn uất vì thế là những phản ứng tự nhiên. Tuy nhiên không phải chỉ vì đế quốc Mỹ đã đơn phương xâm lược Việt Nam như các thế hệ sinh viên học sinh đã và đang được dạy. Hơn ba mươi năm là một thời gian đủ dài để đồng bào miền bắc, các thế hệ trẻ miền bắc có gia đình chịu đựng đau thương bất hạnh trong chiến tranh, nhìn lại cuộc chiến một cách khách quan và so sánh với thực tế đất nước để qua đó biết rõ những ai và học thuyết nào chính là nguyên nhân của chiến tranh, độc tài và chậm tiến hôm nay.

Đảng Cộng sản có thể tùy thích tạo ra hàng trăm đảng viên cỡ Lê Văn Tám, Tôn Đức Thắng. Đó là chuyện nội bộ của đảng nhưng họ không có quyền biến Côn Đảo thành tài sản riêng của đảng, không có quyền mê hoặc của các thế hệ trẻ Việt Nam bằng các mẫu chuyện hoang đường kiểu Lê Văn Tám như bộ máy tuyên truyền Liên Xô đã từng tô điểm lên một cậu bé nhà nông Pavlik Morozov bất hiếu trước đây. Côn Đảo cũng không phải là đất hương hỏa của Marx, Lenin để lại cho đảng Cộng sản Việt Nam mà là đất thiêng của cách mạng Việt Nam nơi nhiều thế hệ đã lấy xương thịt mình làm phân bón cho mầm xanh tương lai dân tộc.

Trong nghĩa địa Hàng Dương, bên chiếc cầu đá phía bên phải dinh chúa đảo, trước những xà lim chật hẹp, một ngày không xa, các thế hệ Việt Nam sẽ đến đó, không phải để nghe kể công, nghe tuyên truyền mà đến để im lặng cúi đầu tưởng niệm các anh hùng dân tộc.

Họ là ai? Họ là những đảng viên Việt Nam Quang Phục Hội, Phong trào Đông Du, Phong trào Duy Tân, Tân Việt Cách mạng Đảng, Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt Quốc dân Đảng, Đại Việt Dân chính, Dân Xã Đảng, Đảng Lập hiến, Đại Việt Duy dân và nhiều tổ chức, phong trào không Cộng sản khác.

Họ là ai? Họ là tín đồ các tôn giáo, nhất là Cao Đài và Hòa Hảo, hai tôn giáo được ra đời tại miền Nam, có truyền thống kiên quyết chống cả thực dân lẫn Cộng sản.

Nếu họ đã từng là đảng viên Cộng sản thì sao? Không sao cả. Như tôi đã có dịp viết vài lần trên diễn đàn này, việc tham gia vào đảng Cộng sản của một số người Việt Nam, chủ yếu là để được tổ chức hóa nhằm mục đích hợp đồng chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ dàng hơn chứ không phải vì tin vào chủ nghĩa Cộng Sản. Ngày đó, vì điều kiện giao thông khó khăn, núi non cách trở, sự phát triển của các đảng phái chống thực dân ít nhiều bị giới hạn bởi các đặc tính địa phương, bà con giòng họ, hoàn cảnh trưởng thành. Nếu họ sinh ra ở Quảng Nam họ sẽ gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, sinh ra ở Quảng Trị họ sẽ gia nhập Đại Việt, sinh ra ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang họ sẽ gia nhập Dân xã Đảng. Đó là trọng điểm của các đảng phái chống Pháp trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Ông bà chúng ta có súng dùng súng, có gậy dùng gậy, và trong nhiều trường hợp chỉ là những bàn tay không gầy yếu.

Những người Việt yêu nước thời đó chọn lựa đảng phái như chọn một chiếc phao để đưa dân tộc sang bờ độc lập. Những nông dân hiền hòa chất phác , nhưng công nhân đầu tắt mặt tối làm sao biết được con đường họ đi không dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc bẫy buộc chặt chẳng những cuộc đời họ mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc đến ngày nay.

Tôi tin, phần lớn những người yêu nước đã chết trong giấc mơ về một Việt Nam hòa bình, độc lập chứ không phải trong giấc mơ về một xã hội Cộng sản đại đồng. Người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, không đánh thuê, đánh mướn cho một chủ nghĩa, một ý thức hệ ngoại lai vong bản hay cho một quyền lợi đế quốc nào sẽ không bao giờ chết, không bao giờ bị lãng quên. Lịch sử sẽ đánh giá, dân tộc sẽ ghi ơn họ một cách công bằng.

Tôi tin, cuộc chiến chống thực dân Pháp là cuộc chiến chính nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh đầy gian khổ nhưng anh hùng của một dân tộc bị nô lệ đã đứng lên chống lại một thực dân tàn bạo. Trong suốt gần một thế kỷ trong bóng tối thực dân, hàng vạn đồng bào thuộc nhiều thế hệ Việt Nam đã bị bắt, tra tấn và đã hy sinh trên Côn Đảo. Ngoài một Nguyễn An Ninh để lại thịt xương, một Trần Cao Vân, một Phan Chu Trinh để lại những bài thơ viết bằng máu và mồ hôi trong những ngày đập đá, còn có hàng ngàn, hàng vạn đồng bào đã chết trong âm thầm, không để lại họ tên.

Nhưng cho dù họ có để lại đủ họ tên đi nữa, các thế hệ Việt Nam sau 1975 cũng không có quyền biết đến họ, không có cơ hội để cám ơn họ, để thắp một nén hương, và phần mộ họ một mai có thể sẽ bị san bằng theo mưa nắng. Đảng Cộng sản không chỉ nhuộm đỏ miền Nam, nhuộm đỏ Việt Nam mà còn cố tình nhuộm đỏ cả lịch sử.

Côn Đảo ngày nay gắn liền với tên tuổi của các đảng viên Cộng sản trung ương Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Quang Vịnh v.v. Các em học sinh đang sắp hàng chờ vào xem những xà lim kia làm sao biết được, với số đảng viên vỏn vẹn 5 ngàn vào mùa thu 1945, đảng Cộng Sản, dù bị bỏ tù và chết gấp mười lần trong hai cuộc chiến, cũng không thể bằng với con số khoảng 200 ngàn người Việt Nam yêu nước đã từng ở tù Côn Đảo theo nhiều nguồn ước lượng.

Các em cũng không biết rằng hàng trăm lãnh tụ cách mạng không Cộng sản mà đức độ và tài năng bao trùm nhiều lãnh vực như Đức Huỳnh Giáo Chủ, Trương Tử Anh, Phạm Quỳnh, Khái Hưng, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp v.v., đã không ở tù hay chết ngoài Côn Đảo chỉ vì họ bị Cộng sản thủ tiêu ngay tại đất liền.

Khác với đảng Cộng sản được thành lập từ nước ngoài theo chỉ thị của quốc tế Cộng sản và nhiều đảng viên được đưa sang Trung Quốc, Liên Xô huấn luyện một cách bài bản nhằm thực hiện các mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn của trung ương đảng đề ra, phần lớn đảng phái không Cộng sản đã sinh ra và lớn lên ngay trong lòng dân tộc với tất cả khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. Họ không chỉ bị chết dưới lưỡi đao phong kiến, máy chém thực dân mà còn chết trong bàn tay của những người cùng máu mủ với mình.

Đọc lại diễn tiến của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, quá trình thành lập các đảng phái không Cộng sản và lắng nghe các nhà cách mạng trải lòng qua thơ văn đẫm đầy máu lệ, mới cảm thấy lòng yêu nước của thế hệ cha ông thật vô bờ bến.

Bằng hành trang duy nhất trên vai là lòng yêu nước, các nhà cách mạng không Cộng sản dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc trên chuyến xe chạy bằng máu của chính mình.

Chiều mùa hè năm đó, lần đầu tiên trong đời tôi xúc động đứng im lặng trước anh linh của những anh hùng đã ngã xuống cho độc lập tự do thật sự của dân tộc. Xương thịt của những người đã hy sinh từ phong trào kháng thuế miền Trung, Hà Thành đầu độc, khởi nghĩa Duy Tân, Thái Nguyên, Yên Bái hẳn đã hòa tan vào lòng đất mẹ nhưng anh linh họ vẫn là ngọn đuốc soi sáng giấc mơ Việt Nam độc lập, tự chủ của dân tộc.

Như tôi có lần đã viết. Giấc của họ là giấc mơ của những người để lưng trần, tóc cắt ngắn, đóng khố che thân, dắt bầy con, vượt bao nhiêu núi rừng ghềnh thác trong cuộc nam tiến đầy gian nan nhưng vô cùng hiển hách, từ dọc bờ Dương Tử di dân xuống lưu vực sông Hồng cách đây gần 50 thế kỷ. Trong lúc bao nhiêu bộ tộc Bách Việt khác đã hoàn toàn bị tiêu diệt hay đồng hóa vào những tỉnh, những huyện như Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến của Trung Quốc ngày nay, giòng giống Lạc Việt qua bao độ thăng trầm, vẫn tồn tại và trưởng thành như một nước Việt Nam.

Giấc mơ của họ là giấc mơ của những người đã tạo nên nền văn minh Việt Nam rất sớm. Nơi đó, từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên, tổ tiên chúng ta đã biết trồng cây ăn trái, biết làm đồ gốm, biết đẽo đá thành những lưỡi cuốc nhọn, biết đắp đất ngăn bờ để đưa nước sông vào ruộng. Tổ tiên chúng ta đã biết xây dựng các cơ xấu xã hội, lấy thôn làng làm căn bản, lấy nông nghiệp làm nền tảng kinh tế, lấy tình nghĩa đồng bào làm sức mạnh, lấy nguồn gốc tổ tiên (một mẹ trăm con, chung cùng bọc trứng) làm nơi nương tựa tinh thần. Những hình ảnh thân thương quen thuộc của cây đa, bến nước, sân đình gắn liền trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Những chiếc trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ được chạm trổ tinh vi đánh dấu một thời đại vàng son trong tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Chính tinh thần văn hóa Hòa Bình, Đông Sơn đã hun đúc thành sức mạnh dân tộc, để các thế kỷ sau đó, đủ sức đối kháng với sự xâm lăng thô bạo của các nguồn văn hóa mang ý đồ đồng hóa phát xuất từ phương Bắc.

Giấc mơ của họ là giấc mơ của một dân tộc hơn một ngàn năm trong bóng đêm nô lệ nhà Hán, nhà Ngô, nhà Đường, nhà Minh qua bốn lần bắc thuộc với bao nhiêu cực hình đày đọa, sáng xuống bể tìm ngọc châu, chiều lên non săn ngà voi, trầm hương, châu báu, dân tộc Việt vẫn bảo vệ được tính độc lập, vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt trong sáng và thuần nhất.

Đất nước chúng ta đã hơn một lần bị mất đi và giành lại được nhưng chúng ta hãnh diện nói lớn rằng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ bị mất gốc. Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao, mũi tên bằng đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở sông Bạch Đằng, dọc Ải Nam Quan không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của bao nhiêu trận mạc, bao nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương và nước mắt của tổ tiên đã đổ xuống trước các cuộc xâm lăng của các triều đại Bắc phương khác.

Lịch sử bao giờ cũng mang tính kế tục nhưng trước hết là lịch sử của thời đại. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm để hoàn thành những trách nhiệm mà lịch sử giao phó cho thời đại của họ nhưng dù không hoàn thành, ngọn đuốc lịch sử vẫn phải được chuyển sang bàn tay thế hệ khác. Giấc mơ về Việt Nam tự do, dân chủ và giàu mạnh dù sớm hay muộn sẽ phải thành hiện thực.

Thời gian gần đây, tôi có dịp đọc nhiều bài viết từ những tấm lòng đang băn khoăn vì đất nước. Phần lớn bắt đầu bằng nhóm chữ “chưa bao giờ …như hôm nay”. Chưa bao giờ con người Việt Nam bị khinh thường như hôm nay. Chưa bao giờ lãnh thổ Việt Nam bị chiếm đoạt trắng trợn như hôm nay. Chưa bao giờ chủ quyền đất nước bị đe dọa như hôm nay. Chưa bao giờ tài nguyên thiên nhiên bị thất thoát như hôm nay. Tất cả đều đúng cả. Tôi chỉ muốn thêm vào một “chưa bao giờ” nữa, đó là, chưa bao giờ ranh giới giữa dân tộc và phản dân tộc rõ ràng như hôm nay. Biên giới đó rõ ràng đến mức một người Việt Nam có thể chọn lựa đứng về phía chính nghĩa, phía dân tộc mà không phải lo lầm lỡ về sau.

Giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn một con đường riêng của họ. Con đường đảng chọn cũng rất rõ ràng: phát triển đất nước theo định hướng Trung Quốc và cùng lúc bằng mọi giá duy trì chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam.

Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Việt Nam không phải là những người không biết suy nghĩ, không thấy đúng, thấy sai và thậm chí có rất nhiều cơ hội để sửa sai nhưng quyền lợi cá nhân, phe nhóm và đảng đã che khuất sự sống còn và tương lai đất nước.

Nhân dân Việt Nam chịu đựng quá nhiều rồi, nhượng bộ quá nhiều rồi, lùi bước quá nhiều rồi. Từ xâm lăng Hoàng Sa đến chiến tranh biên giới, các trận đánh khu vực Lão Sơn, lấn chiếm Trường Sa, bắn chết ngư dân Thanh Hóa và hôm nay Bauxite. Chỉ một thời gian ngắn thôi mà nhìn ra biển, nhìn lên núi, nhìn xuống phố, nhìn qua sông, đâu đâu cũng thấy hàng Trung Quốc, đất Trung Quốc, đảo Trung Quốc, người Trung Quốc, vài chục năm nữa đất nước sẽ ra sao?

Tại sao Trung Quốc không bắn thủng tàu, không ăn cướp tài sản, đất đai của Thái Lan, Philippines hay ngay cả của đàn em Bắc Hàn một cách công khai, lộ liễu như họ đã và đang làm đối với Việt Nam? Một người có ý thức nào cũng biết, đơn giản bởi vì giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc sống trong gan ruột của giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam những kẻ không còn một chọn lựa nào khác ngoài việc núp dưới chiếc dù Trung Quốc.

Như tôi có lần mách nước cho bà con ngư dân trong bài “Ai giết 9 ngư dân Thanh Hóa”, cách hay nhất để khỏi bị hải quân Trung Quốc bắn chết là khi tàu đánh cá vừa ra khỏi cửa biển thì xin các bác làm ơn hạ cái lá cờ gọi là “cờ tổ quốc” xuống dùm. Nếu phải treo thì treo đại một lá cờ Phi, cờ Thái Lan, cờ Nhật lên mũi tàu. Nói ra thì cho là phản động nhưng tin tôi đi, làm như thế bà con ngư dân mới hy vọng còn đường trở về với vợ con.

Thời điểm 1958, Pháp đã rút đi và Mỹ thì chưa đến mà Phạm Văn Đồng, còn có thể thay mặt cho 11 ủy viên bộ chính tri, hạ bút ký một văn kiện nhục nhã như thế thì với hoàn cảnh phe Cộng sản chỉ còn lại năm anh em trên một chiếc xe tang, trong đó có đến bốn em đang lâm cảnh hàn vi đói khát, thì chuyện gì mà họ không dám làm. Lê Khả Phiêu, trong giai đoạn tìm về chủ cũ năm 1991, cũng có thể đã ký những văn bản tương tự như văn bản của Phạm Văn Đồng, khác chăng, “đồng chí Phạm Văn Đồng bị lộ” và “đồng chí Lê Khả Phiêu chưa bị lộ” mà thôi.

Người Do Thái nguyền rủa Hitler, nhân loại kết án Hitler, nhưng nhân dân Đức trước khi có thái độ tương tự, họ phải biết trách các thế hệ Đức trong thập niên 30 của thế kỷ 20, bởi vì chính dân Đức thời đó bằng con đường bầu cử hợp pháp đã đồng ý đặt mình dưới sự lãnh đạo của Hitler và đảng Quốc Xã. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ bầu đảng Cộng sản để lãnh đạo nhưng chắc chắn cũng sẽ phải trả lời cho các thế hệ mai sau về thái độ thờ ơ, thỏa hiệp, yếu hèn của các thế hệ hôm nay trước tình trạng băng hoại đạo đức, lạc hậu kinh tế, thất thoát tài nguyên, mất mát lãnh thổ và suy yếu chủ quyền đất nước.

Trần Trung Đạo

May 26, 2009 Posted by | Chính trị | 1 Comment