Phi Vũ 3

Thương nhớ lắm quê hương vời vợi

Dư luận dân chúng về vụ án “âm mưu lật đổ chính quyền”

Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010-01-20

Đối với đa số người dân trong nước thì mức độ quan tâm đến phiên xử bốn nhân vật đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền Việt Nam hôm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh ra sao? Quỳnh Như tổng hợp và tường trình.

RFA Photo from YouTube

Hội đồng xét xử tại phiên tòa xử các nhà tranh đấu.

Dư luận trong nước về phiên tòa xét xử các nhà hoạt động dân chủ cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

Quan tâm theo dõi

Khi được hỏi về phiên tòa này bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết ý kiến như sau:

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Theo mình được biết thì ngày hôm nay có rất là nhiều người quan tâm về vụ xử, họ đi đến phiên tòa, nơi xử, nơi diễn ra phiên tòa đó, để bày tỏ tình cảm, sự yêu mến đối với những người như anh Định, anh Trung, anh Thức.

Cũng giống như những phiên tòa xét xử những người tranh đấu vì dân chủ và yêu nước khác thôi, thì động thái của báo chí trong nước đối với phiên tòa này rất là im ắng.

Cách đây khoảng một hai ngày thì họ chỉ nhắc sơ về phiên tòa thôi, chủ yếu nhắc cho người ta nhớ là những người này phạm tội lật đổ chính quyền, chớ còn nói chính xác về phiên tòa thì báo chí không có tin tức hoặc thông tin gì. Mọi người ở trong nước có được thông tin là tòan bộ đều lấy từ trên blog hoặc là lấy trên mạng xuống.

Rất là nhiều người quan tâm về vụ xử, họ đi đến phiên tòa, nơi xử, nơi diễn ra phiên tòa đó, để bày tỏ tình cảm, sự yêu mến đối với những người như anh Định, anh Trung, anh Thức.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Theo mình được biết thì 4 người lần đầu tiên bị bắt vì vi phạm Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự chớ không phải là Điều 79, sau họ chuyển từ Điều 88 sang Điều 79 là một điều khó hiểu đối với những người theo dõi tin tức.

Tại vì theo cá nhân mình nghĩ nếu mà để ở Điều 88 có khi nhà nước Việt Nam khó trở tay với giới bảo vệ nhân quyền, chính vì bản thân Điều 88 đã bị cả thế giới lên án rồi, cho nên một phiên tòa chuyển từ Điều 88 sang Điều 79 tức là họ muốn dùng điều luật này để kết tội những người này mà thế giới không thể can thiệp được.

Lê Công Định tại tòa. RFA Photo from YouTube.
Lê Công Định tại tòa. RFA Photo from YouTube.

Rất tiếc là những việc mà họ công bố anh Định, anh Trung, anh Thức làm thì mình nhìn thấy rõ là những người này không có nắm trong tay quân đội, không nắm trong tay chính quyền thì nói là họ hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân thì bằng cái gì? Bằng những bài viết, bằng tiếng nói của mình thì làm sao lật đổ chính quyền được?

Còn anh Nguyễn Trọng Khang thì trả lời một cách dè đặt như sau:

Anh Nguyễn Trọng Khang: Nói chung thì báo chí đưa lên thì người ta cũng có đọc chị à, tại vì nó là chính trị mà cho nên người ta cũng nói sơ sơ, nói chuyện nói qua nói lại thôi, chớ không có gì, không có làm lớn hay rùm beng lên thì cũng không có tốt.

Cũng tùy người, có người thì người ta nói “Ừ, nếu mấy ông tốt thì làm sao có mấy người người ta nghĩ tới chuyện lật đổ chế độ?”

Ý kiến khác

Nhưng cũng có người trẻ như chị Phạm Thị Yến không quan tâm mấy đến vấn đề chính trị.

Chị Phạm Thị Yến: Nói chúng thì em cũng biết vấn đề đó nhưng mà em không có quan tâm, em không có đọc nhiều. Nói chung thì em cũng lên mạng, cũng đọc thông tin vậy thôi.

Cũng tùy người, có người thì người ta nói “Ừ, nếu mấy ông tốt thì làm sao có mấy người người ta nghĩ tới chuyện lật đổ chế độ?”

Ô.Nguyễn Trọng Khang.

Bác Phạm Ngọc, một giáo viên về hưu thì cho biết:

Bác Phạm Ngọc: Khái quát nó vậy nè, người dân Việt Nam hiện giờ họ lo làm ăn để kiếm tiền và cái quan trọng nhứt là họ phải đối phó với đủ thứ về vấn đề kinh tế, khủng hoảng kinh tế, rồi đủ thứ, cho nên họ không còn thì giờ để quan tâm nữa.

Còn người nông dân thì họ cũng đâu có coi báo chí gì mà họ quan tâm, mà người thành thị họ quan tâm tới kinh tế, cho con cái đi học, cho đời sống sung túc. Họ không có quan tâm tới chính trị nữa đâu.

Cho nên chuyện Lê Công Định đó thì ở khía cạnh nào đó thì mỗi người có một lý tưởng. Nhưng mà họ nói mấy chuyện đó, cô biết sao không, giống như châu chấu đá xe, làm được cái gì! Chính quyền bây giờ khó lắm, họ cho tự do các thứ, nhưng mà không được đụng chạm tới chính trị.

Đối với nhiều người dân tại Việt Nam thì vấn đề chính trị luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm.

Trong rất nhiều trường hợp, dù biết chuyện, nhưng người dân bình thường vẫn tránh né, không nói lên quan điểm của họ trước nỗi lo, sợ bị qui chụp vào những tội danh có thể đưa họ vào vòng lao lý.

January 21, 2010 Posted by | Toà án Việt Cộng | Leave a comment